Báo chí trong thời đại số: Đổi mới hay là “chết”?

Tú Anh - Hà Phương (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phóng viên tờ báo lớn nhất của Nhật Bản “bỏ rơi” ô tô chuyên dụng được cấp để tác nghiệp mà chỉ cần một chiếc máy tính nhỏ gọn.

Thạc sĩ Trần Lệ Thùy - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến truyền thông và phát triển (MDI) tại Việt Nam nhận định, đây chỉ là một trong những ví dụ cho thấy công nghệ đang len lỏi vào ngành công nghiệp báo chí nhanh ra sao và tác động mạnh mẽ thế nào.
Phóng viên nhật báo Asahi Shimbun, Nhật Bản.
Công nghệ đang thay đổi báo chí rất nhanh

Asahi Shimbun - tờ báo lớn nhất của Nhật Bản có thời điểm đã đầu tư ô tô chuyên dụng cho phóng viên tác nghiệp với chi phí hơn 1 triệu USD. Tuy nhiên, cho đến nay, phóng viên không còn sử dụng tới nữa mà chỉ cần một chiếc máy tính xách tay. Đây là ví dụ điển hình chứng tỏ việc đầu tư công nghệ cho báo chí hiện rất nhanh. Thế giới đã có những bước đi mới trong việc sử dụng công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo (AI) hay kiến tạo báo chí dữ liệu tương tác.

Một số công cụ đã được ứng dụng để lên bài nhanh và nhận được tương tác từ bạn đọc. Đấy là một trong những công cụ báo chí đã vào tới Việt Nam. Ngoài ra, hiện nay các đài truyền hình đã bắt đầu sử dụng AI để làm phát thanh viên, giúp giảm rất nhiều chi phí.

Người đọc Việt Nam cũng sẽ đón nhận làn sóng này. Cho đến nay, lượng lớn người trẻ, thậm chí là lớn tuổi ở Việt Nam đã lựa chọn báo mạng thay vì báo in. Do vậy, chắc chắn rằng việc đưa công nghệ mới vào báo chí là điều tất yếu. Tuy nhiên, điều này có thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác chứ không chỉ phụ thuộc vào chỉ riêng công nghệ. Bởi đối với báo chí, nội dung vẫn quan trọng nhất. Công nghệ chỉ là hình thức hỗ trợ cho bài báo đó, hỗ trợ về cách trình bày rồi tăng độ tương tác.

Cần những phóng viên “đa phương tiện”

Phóng viên Việt Nam hiện nay cần phải thay đổi nhiều. Bởi, trong thời điểm hiện nay, gần như phóng viên có kỹ năng “multimedia” (đa phương tiện) - tác nghiệp được ở mọi môi trường và sử dụng được mọi công nghệ để hỗ trợ đưa bài báo của mình tới công chúng. Một phóng viên có thể có cách tiếp cận nguồn thông tin rất tốt, song chưa biết làm video tốt. Phóng viên hiện nay nên biết nhiều kỹ năng từ viết, chụp ảnh, quay video tới thu thập dữ liệu. Hiện nay, nhiều tòa soạn vẫn còn tách biệt. Ví dụ, phóng viên chỉ là người cung cấp thông tin cho họa sĩ thiết kế Infographic. Như vậy sẽ không tạo được sự tương tác tốt, trong trường hợp họa sĩ không hiểu ý tưởng trình bày của phóng viên.

Trên thế giới, nhiều nhà báo trung niên chưa có nhiều kỹ năng về làm báo đa phương tiện bị mất việc và rất khó xin được vị trí mới. Tại các nước phát triển, chỉ có một vài tờ báo lớn sống sót trong thời kỳ này, còn lại những tờ báo nhỏ, địa phương thì thường rơi vào tình trạng khủng hoảng về tài chính. Ở Việt Nam cũng sẽ gặp phải tình trạng tương tự. Trong thời điểm hiện nay, ngoài việc có thêm nhiều phóng viên đa phương tiện, các tòa soạn phải thay đổi nhiều về mô hình kinh doang, đa dạng hóa nguồn thu để tồn tại.

Báo chí cần là “bộ lọc” của mạng xã hội

Không thể phủ nhận sức mạnh và độ lan tỏa của mạng xã hội. Hiện ở các nước, cộng đồng Youtuber, Blogger có ảnh hưởng không kém giới báo chí. Thậm chí một Blogger nổi tiếng chuyên về quân đội Mỹ còn được chính phủ mời sang Iraq để viết bài về tình hình quân sự căng thẳng tại đây. Nhiều ví dụ điển hình cho thấy ranh giới giữa báo chí và mạng xã hội ngày càng mờ đi.

Ví dụ, trước đây một Tổng thống Mỹ cần làm việc chặt chẽ với những tờ báo có tiếng như CNN, AP nếu muốn gây ảnh hưởng truyền thông… Nhưng như Tổng thống Donald Trump hiện nay, ông thường trực tiếp mang thông tin tới người đọc chỉ qua các đoạn tweet, không cần thông qua “bộ lọc” nào nữa.

Tuy nhiên, việc công nghệ ngày càng phát triển cũng đem lại những mặt bất lợi, trong đó phải kể tới là fake news và bảo mật nguồn thông tin. Hiện nay, vấn nạn tin giả (fake news) cũng là một lợi thế cho báo chí chính thống, trở thành động lực cho người đọc trở lại với các tờ báo chính thống. Fake news là điểm yếu của mạng xã hội, mặt khác trở thành điểm mạnh giúp người đọc tìm về với báo chính thống. Nói cách khác, báo chí chính thống sẽ giúp người đọc có thể kiểm chứng lại fake news trên mạng xã hội. Trên thế giới, phần lớn các nguồn tin trên mạng cũng được sản xuất từ báo chí chính thống, tầm 70 – 80%. Sẽ rất tốt nếu báo chí trở thành “bộ lọc” của thông tin từ mạng xã hội. Trước đây, báo chí là một con đường để thông tin đến với nhiều người, còn mạng xã hội là nhiều người đưa thông tin đến với nhiều người.

Trước những thách thức từ mạng xã hội, những hãng tin lớn hiện cũng chuyển sang khai thác nhiều thông tin sâu, độc quyền, phát triển những tuyến bài công phu, thay vì chạy đua tốc độ với các mẩu tin. Tuy nhiên điều này buộc họ phải đầu tư thêm chi phí cũng như nâng cao chất lượng chuyên môn, bài viết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần