Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đổi mới hoạt động giám định tư pháp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Một trong những bất cập, yếu kém hiện nay là sau gần 5 năm thi hành Pháp lệnh giám định tư pháp, hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh vẫn chưa được ban hành đầy đủ, dẫn đến nhiều quy định chưa thực sự đi vào cuộc sống.

KTĐT - Một trong những bất cập, yếu kém hiện nay là sau gần 5 năm thi hành Pháp lệnh giám định tư pháp, hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh vẫn chưa được ban hành đầy đủ, dẫn đến nhiều quy định chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong tổ chức, hoạt động, quản lý giám định tư pháp, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp" với yêu cầu trọng tâm là góp phần bảo đảm việc phán quyết của tòa án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động này.

Thủ tướng cũng quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án nói trên. Ở Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo là 1 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp là Phó Trưởng Ban thường trực cùng các thành viên chủ chốt là lãnh đạo Bộ, ngành liên quan.

Nhiều quy định chưa đi vào cuộc sống

Một trong những bất cập, yếu kém hiện nay là sau gần 5 năm thi hành Pháp lệnh giám định tư pháp, hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh vẫn chưa được ban hành đầy đủ, dẫn đến nhiều quy định chưa thực sự đi vào cuộc sống. Cho đến nay, hầu hết các lĩnh vực vẫn chưa ban hành được quy trình, quy chuẩn chuyên môn về giám định tư pháp...

Đó là chưa kể chủ trương xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp còn thiếu các quy định cụ thể về điều kiện, giải pháp thực hiện đồng bộ và lộ trình hợp lý để đảm bảo tính thực thi. Hiện vẫn còn 14/63 địa phương duy trì tổ chức giám định pháp y theo quy định của Nghị định số 117/HĐBT, trong khi Pháp lệnh giám định tư pháp có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2005; 19/30 địa phương có Bệnh viện tâm thần cấp tỉnh nhưng không thành lập Trung tâm giám định pháp y tâm thần.

Để khắc phục cho được những hạn chế trên, Đề án lên mục tiêu cụ thể hoàn thiện hệ thống tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự theo hướng phát triển các tổ chức giám định này ở Trung ương thành các Trung tâm đầu ngành trong nước vào năm 2015 và đạt tiêu chuẩn thế giới 5 năm sau đó, tức là vào năm 2020.

Đồng thời sẽ xây dựng, phát triển hệ thống tổ chức giám định trọng điểm theo khu vực, vùng miền (khu vực miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nam bộ, khu vực miền Trung và khu vực Tây Nguyên).

Đội ngũ cần đủ về lượng, đảm bảo về chất

Tính đến tháng 9/2009, Bộ Tư pháp đã cấp 2.461 thẻ giám định viên tư pháp. Nhưng trên thực tế 3/4 trong số này chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ giám định và kiến thức pháp lý cần thiết. Là một nghề khá vất vả nhưng chế độ đãi ngộ thực hiện chậm và chưa thu hút được nhân tài. Hiện hầu hết các tổ chức giám định pháp y đều thiếu giám định viên pháp y chuyên trách, riêng đội ngũ giám định kỹ thuật hình sự toàn quốc còn thiếu trên 200 người.

Chính vì những bất cập trên mà Đề án phấn đấu đến năm 2015, đội ngũ giám định viên tư pháp và người giám định tư pháp theo vụ việc đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng. Cũng trong giai đoạn này, các tổ chức giám định tư pháp ở Trung ương và các khu vực, thành phố lớn được đảm bảo điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, đạt tiêu chuẩn phục vụ công việc.

Kế hoạch trong năm 2010-2011 sẽ xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật giám định tư pháp. Bên cạnh đó là hàng loạt những văn bản pháp quy quy định về giám định tư pháp cũng sẽ được xây dựng và ban hành ngay trong năm 2010, điển hình như: Quy định về phí giám định tư pháp; Bảng tỷ lệ tổn hại sức khỏe dùng cho pháp y; chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp...