Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đổi mới hoạt động giám sát, tăng hiệu quả kiểm soát quyền lực từ cơ sở

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Một trong những kinh nghiệm kiểm soát quyền lực Nhà nước đối với bộ máy chính quyền các cấp trong điều kiện thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị của Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP Hà Nội là chủ động, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động sâu sát, hiệu quả.

HĐND TP thực hiện giám sát cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trong các cơ quan trên địa bàn tháng 5/2023
HĐND TP thực hiện giám sát cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trong các cơ quan trên địa bàn tháng 5/2023

Ngày 25/4, tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. HĐND TP Hà Nội đã gửi tới tham luận về "Vai trò của HĐND TP trong việc kiểm soát quyền lực Nhà nước đối với bộ máy chính quyền các cấp trong điều kiện thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị".

Đẩy mạnh giám sát trực tiếp tới cấp cơ sở

Theo Thường trực HĐND TP Hà Nội, kiểm soát quyền lực Nhà nước là yêu cầu cần thiết trong tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước nói chung và chính quyền địa phương nói riêng. Trong tổ chức của chính quyền địa phương, HĐND là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, do Nhân dân địa phương bầu ra, có hai chức năng quan trọng là quyết định và giám sát.

Trong những năm qua, hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND TP được thực hiện bài bản, thiết thực, hiệu quả trên cơ sở tuân thủ các quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và hướng dẫn tại Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cùng với sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc điểm của TP Hà Nội.

Vai trò giám sát của các đại biểu HĐND được thể hiện rõ qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp của HĐND TP 
Vai trò giám sát của các đại biểu HĐND được thể hiện rõ qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp của HĐND TP 

Điều làm nên hiệu quả trong hoạt động giám sát của HĐND TP trong thời gian qua là xác định đúng vấn đề, đúng trọng tâm, nội dung, đối tượng cần giám sát; không để trùng lắp về nội dung, thời gian, đối tượng, địa điểm; giám sát, tái giám sát đến cùng; tổ chức giám sát công khai, sát dân, sát cơ sở, có kết hợp giữa giám sát chung với giám sát thường xuyên, giữa giám sát qua văn bản với đi giám sát thực tế ở cơ sở, trong đó có giám sát cấp thực thi ở dưới cấp sở ngành, quận, huyện...

Cùng với đó, Thường trực HĐND TP đã chỉ đạo xây dựng quy trình giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND TP; quy trình thẩm tra của các Ban của HĐND, quy trình tổ chức kỳ họp để bảo đảm tính công khai minh bạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phần tăng cường việc kiểm soát quyền lực Nhà nước tại TP.

Đặc biệt, trong điều kiện Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội, Thường trực HĐND tiếp tục chỉ đạo thực hiện nhiều đổi mới trong công tác giám sát nhằm tăng cường, mở rộng hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND TP và xuống cơ sở - nhất là ở các địa bàn không tổ chức HĐND phường. Cụ thể như đẩy mạnh phối hợp giữa các Ban của HĐND, giữa hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội với giám sát của Thường trực HĐND TP; phối hợp giữa Tổ đại biểu HĐND TP và Thường trực HĐND quận, thị xã đối với các lĩnh vực có cùng đối tượng giám sát; đẩy mạnh giám sát trực tiếp tới UBND xã, phường, thị trấn, các cơ quan đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành TP. Đồng thời, thực hiện kiểm tra, giám sát một số công trình, dự án cụ thể.

HĐND TP Hà Nội khảo sát việc thực hiện Đề án 15-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy tại quận Cầu Giấy
HĐND TP Hà Nội khảo sát việc thực hiện Đề án 15-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy tại quận Cầu Giấy

Kết quả giám sát, khảo sát làm căn cứ chất vấn

Đáng chú ý, HĐND TP đã lấy kết quả giám sát, khảo sát làm căn cứ để chất vấn, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân (từ cán bộ, công chức cấp TP đến cán bộ, công chức cấp xã và doanh nghiệp) tại các kỳ họp HĐND, phiên chất vấn, giải trình của Thường trực HĐND. Đây cũng là căn cứ để xác định những giải pháp, lộ trình khắc phục, xử lý tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp.

 

Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND TP Hà Nội đã tổ chức được 68 đợt giám sát, khảo sát chuyên đề; chất vấn 10 nội dung tại các kỳ họp của HĐND TP; Thường trực HĐND TP tổ chức 1 phiên chất vấn và 3 phiên giải trình.

Đồng thời, Thường trực HĐND TP thường xuyên có văn bản để đôn đốc, định hướng việc đổi mới hình thức và nâng cao chất lượng, số lượng giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và Tổ đại biểu HĐND quận, thị xã đối với hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND phường. Qua đó, yêu cầu các Tổ đại biểu, đại biểu HĐND quận, thị xã chủ động phối hợp với Ủy ban MTTQ cùng cấp và Ủy ban MTTQ tại các phường trong việc giám sát triển khai thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị... 

Quá trình theo dõi việc giải quyết các kết luận giám sát, tái giám sát tiếp tục được chú trọng, được phân công, giao theo từng bộ phận, lĩnh vực chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Từ đó, có văn bản đôn đốc, nhắc nhở nếu chậm giải quyết hoặc đưa vào nội dung chất vấn tại kỳ họp, phiên giải trình của Thường trực HĐND TP.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội khảo sát về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô, tháng 4/2023
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội khảo sát về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô, tháng 4/2023

Nhờ những nỗ lực ấy, thời gian qua, hoạt động giám sát của HĐND đối với UBND TP, các cơ quan tư pháp và bộ máy chính quyền các cấp ngày càng được nâng cao; bảo đảm quyền thực thi pháp luật và thực hiện chức năng quản lý các lĩnh vực đời sống xã hội của bộ máy chính quyền các cấp. Từ đó góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn địa phương.

"Thông qua hoạt động giám sát, nhiều khó khăn, hạn chế trong các lĩnh vực trên địa bàn TP đã được tập trung chỉ đạo, khắc phục có hiệu quả, được nhân dân ghi nhận" - Thường trực HĐND TP Hà Nội khẳng định.

 

Trong thời gian tới, để hoạt động giám sát được hiệu quả hơn, HĐND TP Hà Nội đề nghị bổ sung trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND nội dung quy định về việc HĐND, Thường trực HĐND cấp trên giám sát HĐND, Thường trực HĐND cấp dưới trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật; bổ sung quy định cụ thể hơn về việc HĐND, Thường trực HĐND giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan. Đồng thời quy định về cơ chế xử lý các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật của các chủ thể thông qua hoạt động giám sát.

Đặc biệt, để khẳng định rõ hơn vai trò và tăng cường hiệu quả kiểm soát quyền lực Nhà nước của HĐND đối với bộ máy chính quyền các cấp, HĐND TP Hà Nội đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu bổ sung các quy định, chế tài đối với các cá nhân, tổ chức cố tình không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc kéo dài thời gian thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của các Đoàn giám sát của HĐND trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND cùng quy định liên quan đến hoạt động của HĐND.