Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đổi mới ở Đồng Tâm

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) bây giờ đã không còn là “điểm nóng” an ninh trật tự, vi phạm đất đai nữa mà thay vào đó là diện mạo của một làng quê đổi mới, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

  Diện mạo của một làng quê đổi mới, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Đồng Tâm vốn là xã thuần nông, nên thời gian qua, xã đặc biệt quan tâm đến việc đưa cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa như thâm canh cải tiến lúa giống mới, cấy lúa hiệu ứng hàng biên. Đồng thời, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, xã đã chuyển đổi được gần 90ha diện tích sang nuôi trồng thủy sản và kết hợp cấy lúa - thả cá. Hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng đã được sửa chữa, nâng cấp đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân.

Bên cạnh đó, Đồng Tâm duy trì và phát triển nghề thêu ren truyền thống. Hiện, toàn xã có 8 cơ sở thêu tập trung, tạo việc làm thường xuyên cho 400 lao động địa phương với mức lương trung bình từ 3,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, một số nghề khác như nghề mộc, nghề xây dựng, cơ khí, hàn xì, may gia công cũng đang tạo việc làm với thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Nhờ đó, năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 30 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo giảm còn 94 hộ.
Sau khi xảy ra sự cố “điểm nóng” ở Đồng Tâm, huyện càng chú trọng hơn việc đẩy mạnh công tác thông tin truyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của TP, của Đảng và Nhà nước. Dù quãng thời gian 2 năm không phải là dài nhưng diện mạo đổi mới của Đồng Tâm hôm nay cho thấy sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện tới thôn.

Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh

Công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước luôn được Đảng bộ, chính quyền xã chú trọng. Xã đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới về việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội. Nhờ đó, các tập tục lạc hậu, tệ nạn xã hội ở Đồng Tâm được đẩy lùi, người dân đoàn kết, hăng hái tham gia xây dựng nếp sống văn hóa mới.

Song song với phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân Đồng Tâm được nâng lên rõ rệt. Công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được chú trọng, nhất là các đối tượng chính sách, người có công. Mỗi năm đều có những đợt thăm khám sức khỏe định kỳ cho người dân địa phương. Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mỹ Đức Trịnh Xuân Hương cho hay, huyện luôn thực hiện tốt chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các đối tượng chính sách, quan tâm chăm lo người già cô đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật, người bị nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn xã Đồng Tâm. Đồng thời, duy trì việc vận động xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, huy động nguồn lực xã hội hóa trong việc nâng cao mức sống của các gia đình chính sách.

Theo Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Mỹ Đức Lê Nghiêm Huấn, mặc dù Đồng Tâm thuộc nhóm xã hoàn thành nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020 nhưng thời gian qua, huyện Mỹ Đức đã cố gắng bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho xã. Chỉ tính riêng 2 năm 2017 - 2018, huyện đầu tư với số vốn hàng chục tỷ đồng để xây dựng đường giao thông, đèn điện chiếu sáng, bãi chứa, xử lý rác khép kín… phục vụ nâng cao đời sống cho người dân Đồng Tâm.

Đến nay, nhiều công trình phúc lợi được TP, huyện quan tâm đầu tư đã tạo diện mạo mới cho Đồng Tâm. Những trục đường giao thông nông thôn bê tông hóa khang trang, sạch đẹp. Những nhà văn hóa thôn kiên cố, rộng rãi, thoáng đãng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân. Đặc biệt, cả 3 ngôi trường: Mầm non, Tiểu học, THCS cũng được quan tâm đầu tư với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh nơi đây.