Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là chìa khóa cho sự phát triển

Trần Long - Ảnh: Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư (khóa X) được Hà Nội thực hiện trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, khó khăn, thách thức. Thành phố xác định đây là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định trong công tác xây dựng Đảng và chìa khóa cho sự phát triển”.

Đây là nhấn mạnh trong tham luận của Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến với chủ đề “Những thành tựu, hạn chế và bài học kinh nghiệm trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) từ thực tiễn của Đảng bộ TP Hà Nội” tại Hội thảo khoa học “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Ban Tổ chức T.Ư, Hội đồng Lý luận T.Ư và Thành uỷ Hà Nội phối hợp tổ chức diễn ra chiều 17/6.

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tham luận tại hội thảo.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tham luận tại hội thảo.

Đạt nhiều kết quả lớn

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư (khóa X) được Đảng bộ Thủ đô thực hiện trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, nhưng cũng đan xen nhiều khó khăn, thách thức. Đảng bộ TP đã có nhiều cách làm sáng tạo, quyết liệt, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, xác định là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, là chìa khóa cho sự ổn định và phát triển.

Quá trình thực hiện đã đạt một số kết quả lớn như: Từ năm 2007 đến nay, Thành ủy đã ban hành trên 500 văn bản để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành T.Ư (khóa X), đổi mới việc thực hiện Nghị quyết bằng việc xây dựng các chương trình, đề án, đề tài, chuyên đề để chỉ đạo thực hiện những vấn đề mới, có tính cấp bách, bức xúc mà thực tiễn đặt ra cần giải quyết; đặc biệt Thành ủy chỉ ban hành Nghị quyết mới có tính chuyên đề và khi thực sự cần thiết. Chủ động tham mưu với T.Ư, Bộ Chính trị ban hành các chủ trương, nghị quyết để giúp Thủ đô có điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh, bền vững như: Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (năm 2012); quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội, Luật Thủ đô và mới đây là Nghị quyết số 15 ngày 05/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 97 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, Thành ủy đã chỉ đạo HĐND TP và HĐND cấp quận tăng cường các hoạt động giám sát đối với UBND, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND của 175 phường. Đồng thời, ban hành Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn tại TP Hà Nội”.

Trong công tác tổ chức, cán bộ, Thành ủy chú trọng hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định về công tác cán bộ. Từ năm 2008 đến nay đã ban hành 1 Nghị quyết; ban hành và sửa đổi 22 quy định liên quan đến công tác cán bộ. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 04 về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp”. Đồng thời, thực hiện bài bản việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Đến nay đã tinh giản được 1.441 trường hợp, hoàn thành tỷ lệ tinh giản 10% biên chế đến năm 2021 theo đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, góp phần tiết kiệm ngân sách Nhà nước.

Sắp xếp giảm 6 đơn vị hành chính cấp xã; tổ chức lại hệ thống chính trị ở khu dân cư, thôn, tổ dân phố theo Đề án số 06 của Thành ủy. Sau sắp xếp đã giảm 2.030 thôn, tổ dân phố, 985 chi bộ, hơn 5.000 cán bộ thôn, tổ dân phố, 5.369 chức danh hoạt động không chuyên trách. Công tác đánh giá cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch, sử dụng cán bộ. Đến nay 100% các cán bộ chủ chốt từ cấp xã đến TP đều có trình độ từ Đại học trở lên. Thành phố đã thành lập được 1.465 tổ chức đảng trong các DN ngoài Nhà nước (tăng gấp 3,5 lần trước khi thực hiện nghị quyết 09), phát triển được 8.411 đảng viên mới.

Từ khi thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khóa X đến nay, Thành ủy, các cấp ủy đảng đã kiểm tra 24.106 lượt tổ chức đảng và 25.180 lượt đảng viên, giám sát 11.620 lượt tổ chức đảng và 35.633 lượt đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát đã gắn kết chặt chẽ với việc công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Thành ủy thành lập Ban chỉ đạo phòng chống, tham nhũng, tiêu cực trong suốt các khóa 15, 16, 17 của Đảng bộ TP. Vừa qua tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng chống tham nhũng, tiêu cực do đồng chí Bí thư Thành ủy làm Trưởng Ban chỉ đạo theo tinh thần Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII).

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

4 bài học kinh nghiệm

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội, đánh giá lại 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa X) và thực tiễn đặt ra của quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, Thành ủy Hà Nội nhận thấy còn những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân. Từ thực tiễn 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa X), Đảng bộ TP Hà Nội rút ra 04 bài học kinh nghiệm: Một là, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, trên cơ sở quán triệt sâu sắc vị thế, vai trò của Thủ đô; đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình thực tiễn và vận dụng sáng tạo các vấn đề lý luận để cụ thể hóa, xây dựng thành các chương trình, đề án, kế hoạch công tác; coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm.

Hai là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị phải trên cơ sở nhận thức đầy đủ mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ; trong việc thực hiện quyền lực của Nhân dân để phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, tránh chồng chéo, tránh khuynh hướng cấp ủy buông lỏng lãnh đạo hoặc bao biện, làm thay. Chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đối với chính quyền cùng cấp, coi đây là khâu quan trọng.

Ba là, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng dân chủ, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của xã hội. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các đoàn thể. Thực hiện tốt nguyên tắc: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”. 

Bốn là, quán triệt sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt, là nhân tố hàng đầu quyết định thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường cải cách hành chính; nắm bắt tình sâu sát tình hình cơ sở, tư tưởng nội bộ cán bộ, đảng viên và nhân dân để kịp thời giải quyết.

Tăng tính chủ động về ngân sách cho địa phương

Trên cơ sở 8 nhóm giải pháp Đề án của Ban Chỉ đạo đề ra, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội kiến nghị Trung ương nghiên cứu, ban hành Nghị quyết mới về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị giai đoạn hiện nay. Chú trọng thể chế hóa nội dung, nguyên tắc trong phương thức cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Đề nghị Trung ương nghiên cứu thể chế hóa, cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị thành các quy định, quy chế, như: Quy định thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Quy định quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu và mối quan hệ giữa tập thể cấp ủy, tổ chức đảng với người đứng đầu. Quy định về cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.

Đề nghị Trung ương, Chính phủ chỉ đạo xây dựng chiến lược Quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài; hướng dẫn cụ thể Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Ban Tổ chức Trung ương phối hợp Bộ Nội vụ quan tâm giải quyết đề xuất bố trí cán bộ, công chức đảng, đoàn thể ở các phường khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị đảm bảo đồng bộ, thống nhất với công chức hành chính ở các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm mô hình này. Cho phép Thủ đô có đặc thù về cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế theo hướng tăng thẩm quyền, tự chủ cho Thủ đô. Nghiên cứu bố trí chức danh cán bộ văn phòng đảng ủy ở cấp xã, phường, thị trấn.

Nghiên cứu sửa Luật Ngân sách Nhà nước phù hợp những nơi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo hướng “phân cấp, ủy quyền, tăng tính chủ động về ngân sách cho địa phương khi không còn HĐND phường”.