Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đổi mới sáng tạo đưa đất nước tiến nhanh trong Kỷ nguyên mới

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đổi mới sáng tạo là một xu thế tất yếu khách quan không thể đảo ngược, là định hướng phát triển chung của thế giới hiện nay.

Đối với Việt Nam, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên phát triển mới.

Tạo bứt phá, nâng cao năng suất

Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực mạnh mẽ trong cải thiện năng suất lao động cả về giá trị và tốc độ. Minh chứng là trong giai đoạn 2011 -2020, trung bình mỗi năm năng suất lao động của Việt Nam tăng khoảng 8,9 triệu đồng/lao động, từ mức 70 triệu đồng/lao động của năm 2011 lên mức 150,1 triệu đồng/lao động vào năm 2020; năng suất lao động năm 2020 gấp 2,1 lần năm 2011.

Năm 2021, năng suất lao động của Việt Nam tăng lên mức 172,8 triệu đồng/lao động và năm 2022 năng suất lao động đạt 188 triệu đồng/lao động. Để có được thành tựu này, đổi mới và sáng tạo công nghệ chính là chìa khóa quan trọng.

Khách hàng tham quan sản phẩm số hóa của doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Khách hàng tham quan sản phẩm số hóa của doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Theo Giám đốc Điều hành Công ty CP Nghiên cứu kinh doanh Việt Nam (Viet Research) Trương Minh Tiến, Việt Nam có nhiều tiến bộ vượt bậc trong phát triển công nghệ, áp dụng số hóa để cải tiến và ra mắt những sản phẩm mới. Trong đó, những lĩnh vực rất mới và khó như sản xuất chip, công nghệ dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, sản xuất xe điện… đều có sự góp mặt của các DN trong chuỗi toàn cầu.

 

Chính phủ cam kết đồng hành, giữ vai trò kiến tạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh. Trong đó, chính sách phải ổn định, lâu dài cho DN yên tâm đầu tư; xây dựng mô hình quản lý tập trung với một đầu mối, bảo đảm quy trình thuận lợi, tránh phiền hà, sách nhiễu cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tạo thị trường, thúc đẩy cung cầu cho đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính 

Đại hội XIII của Đảng khẳng định: khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại. Đồng thời, tại Hội nghị T.Ư 10 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp tục khẳng định: “Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá để đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Quan điểm này thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng đối với vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong tiến trình phát triển đất nước. Trong đó, lấy tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu là hướng chủ đạo, chuyển dần từ việc gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang tăng năng suất, chất lượng lao động, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đổi mới sáng tạo của DN.

Quốc sách hàng đầu cho phát triển

Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều hành động thiết thực, hiệu quả nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo như: xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và lập nghiệp; xây dựng các chiến lược, chương trình phát triển, tập trung vào kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành mang lại giá trị gia tăng cao như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, hydrogen...

Cùng với đó, tập trung phát triển hạ tầng bao gồm hạ tầng số, hạ tầng điện, nước, giao thông, hạ tầng xã hội như giáo dục, y tế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao...

Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 của Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia (tăng 2 bậc so với năm 2023, tăng 4 bậc so với năm 2022). Năm 2024, Việt Nam cũng được xếp vào nhóm Chỉ số Chính phủ điện tử (EGDI) rất cao, với 0,7709 điểm, đứng thứ 71/193 quốc gia được đánh giá trong Khảo sát Chính phủ điện tử lần thứ 13 của Liên Hợp quốc.

Nêu nhiệm vụ cho đổi mới sáng tạo trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, phải tập trung hoàn thiện thể chế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xác định rõ lĩnh vực ưu tiên, hướng đi cho khoa học công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, trong đó tập trung cho các lĩnh vực chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật, blockchain, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, khắc phục tình trạng cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số…

Cùng với đó, bảo đảm nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và các phong trào khởi nghiệp sáng tạo; phát triển thị trường, “sàn giao dịch” cho đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo.