Kinhtedothi - Thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 (kết hợp thảo luận về kết quả thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế) ngày 31/10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, cần có nhận định chính xác để đưa ra "phương thuốc" phù hợp, cứu chữa sản xuất, đời sống người dân... Nếu đổi mới thể chế không kiên quyết thì không tạo được niềm tin để phát triển trong giai đoạn sắp tới.
3 vấn đề lo ngại
Lý giải tình hình nội tại nền kinh tế đáng quan ngại như: GDP tăng trưởng thấp, sức cạnh tranh kém, sản xuất kinh doanh phục hồi chậm, nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản, thâm hụt ngân sách tăng cao… ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, có 3 lo lắng, thứ nhất, đó là dù kinh tế phục hồi nhưng niềm tin thị trường chưa được phục hồi, nhiều doanh nghiệp không mặn mà vay vốn, dù lãi suất chỉ 5 - 6%. Thứ hai, xuất khẩu tăng, nhưng tính cạnh tranh kém. Thứ ba, thâm hụt ngân sách lớn, nợ phải trả dồn toa do nhiều năm vay trung hạn, sức cạnh tranh của khu vực trong nước yếu kém cũng là những điểm đáng quan ngại. Vì vậy, điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ và điều chỉnh giá điện, dịch vụ công cần phải như giải phương trình ba ẩn số để kiểm soát thành công lạm phát. Không vì tăng trưởng thấp mà nóng vội.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
|
Liên quan đến "chủ đề nóng" bội chi ngân sách, các ĐB đều cho rằng nên cho phép phát hành trái phiếu, nới trần bội chi để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, các ĐB nhấn mạnh khoản vốn tăng thêm cần kiểm soát chặt chẽ, khắc phục việc đầu tư dàn trải, ưu tiên vốn cho những lĩnh vực thiết yếu và Chính phủ phải lên danh mục cụ thể để Quốc hội giám sát chặt chẽ. Về lâu dài, khi kinh tế hồi phục phải giảm tỷ trọng đầu tư công và tăng dần tỷ lệ đầu tư tư nhân.Các ĐB Quốc hội cũng đóng góp ý kiến nhằm đẩy mạnh nguồn thu cho ngân sách vốn đang thiếu hụt nặng nề. Trong đó phải nuôi dưỡng nguồn thu, ngăn chặn hiện tượng chuyển giá, báo lỗ của doanh nghiệp (DN) nước ngoài... Với những DN mới ra đời, Chính phủ đã kiểm tra chính sách hỗ trợ nhưng chưa hiệu quả. Chính sách giãn, giảm, hoãn thuế mới chỉ có tác dụng với DN có lãi, DN thua lỗ chưa có tác dụng. Trong khi Chính phủ giãn, giảm, khoanh nợ thuế thì giá thuê đất tăng không khác "mở đầu này bóp đầu kia" khiến DN gặp khó.
Phân biệt rõ vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước
Triển vọng kinh tế Việt Nam có sáng sủa trở lại hay không, theo các ĐB phụ thuộc rất lớn vào sự đột phá về thể chế kinh tế. Các ĐB sốt ruột trước tiến độ thực hiện chậm trễ tái cơ cấu nền kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng. ĐB Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) đề nghị Chính phủ làm rõ địa chỉ trách nhiệm về quản lý Nhà nước của các bộ, ngành T.Ư trong tổ chức điều hành kinh tế xã hội; vì sao tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thì rời rạc, tái cơ cấu ngân hàng thì chưa đạt yêu cầu, còn tái cơ cấu đầu tư công thì chưa có đề án.
ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) nêu quan điểm: Cả nước hiện có 101 tập đoàn, tổng công ty và 2 ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Những yếu kém và bất cập của DNNN thể hiện ở những vấn đề: Hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của DNNN còn hạn chế... Tuy nhiên mới đây đã lại thành lập thêm 4 DNNN. Theo ĐB, phải đẩy nhanh cổ phần hóa các tổng công ty, tập đoàn, DNNN; xác định, phân biệt rõ vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước. Không nên trao cơ chế độc quyền hay ưu ái đặc biệt cho bất cứ DN nào, cũng như không nên bơm tiền vào DNNN đã một lần làm ăn thua lỗ, mất khả năng thanh toán.
Ngân hàng lớn không đồng nghĩa với khỏe
Cho rằng, hệ thống ngân hàng còn nhiều yếu kém, dư nợ tín dụng tăng không phải do DN được vay tiền để đưa vào sản xuất, mà chủ yếu là các ngân hàng tập trung mua trái phiếu Chính phủ, theo ông Hà Sỹ Đồng, nợ xấu đang là nguy cơ gây vỡ nợ ngân hàng, ảnh hưởng đến nền kinh tế trong tương lai. ĐB cũng dẫn trường hợp của Ngân hàng NN&PTNT để cho thấy, ngân hàng lớn không đồng nghĩa với khỏe. ĐB Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) đề nghị dỡ bỏ trần lãi suất và trần huy động để chuyển sang cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét nới dần tỷ giá để phù hợp tình hình trong và ngoài nước.
Liên quan đến vấn đề nợ xấu, nhiều ĐB cho rằng không nên tiếp tục kiểu cơ cấu lại nợ hay xử lý nợ xấu qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) "một cách tình thế và khiên cưỡng" như hiện nay, bởi cách làm này là tạo ra số liệu ảo, thực trạng ảo, cũng như về cơ bản không làm thay đổi bản chất vấn đề nợ xấu.
Băn khoăn về thực trạng xã hội
Thảo luận về các vấn đề xã hội, các ĐB cũng bày tỏ lo ngại trước thực trạng tội phạm ngày càng đa dạng, mức độ nguy hiểm, manh động, hung hãn ngày càng tăng. Tình trạng vi phạm trật tự an toàn xã hội tăng, đạo đức xã hội xuống cấp, chống tham nhũng lãng phí chưa được đẩy lùi, kỷ luật kỷ cương không nghiêm, bệnh thờ ơ vô cảm gia tăng...
Theo các ĐB, nguyên nhân là do kinh tế khó khăn, nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực, chương trình phòng chống tội phạm giảm; tác động tiêu cực từ các sản phẩm văn hóa độc hại; chưa quy kết trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan. ĐB Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) cho rằng còn thiếu nguyên nhân là công tác dân vận chính quyền chưa tốt... Phản ánh lo ngại trước hành vi tự xử của người dân, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (đoàn Bình Dương) bày tỏ, đây là hành vi đáng lên án, nhưng trách dân sao được khi vai trò quản lý kém. Đơn cử như an toàn vệ sinh thực phẩm có tới 3 bộ quản lý nhưng cũng không hiệu quả.
Để khơi dậy niềm tin và khắc phục tình trạng "tự xử" trong dân, theo ĐB Huỳnh Ngọc Đáng, có cách duy nhất là phải vực dậy có hiệu quả vai trò quản lý của Nhà nước, từ khâu xây dựng, hướng dẫn thi hành pháp luật; đến xử lý thường xuyên, hiệu quả các vụ việc và phải chứng tỏ quản lý Nhà nước luôn vì dân và công bằng với dân.
Quan tâm đầu tư hơn cho nông nghiệp
Trong bối cảnh hiện nay, nông nghiệp được xem là cứu cánh của nền kinh tế, nhưng tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng giảm dần. Các ĐB đề nghị quan tâm hơn, đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, đã triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Nhiều công việc sẽ được triển khai, trong đó tập trung rà soát cơ cấu sản xuất ở từng địa phương để sớm có phương án điều chỉnh linh hoạt giữa đất trồng lúa và các loại cây trồng khác. Ngoài ra sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương tạo nguồn lực, hỗ trợ xúc tiến đầu tư và đầu ra tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp. |