Monday, 17:37 02/11/2015
Đổi mới trang phục của thẩm phán khi xét xử
Kinhtedothi - Ngày 2/11, Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) đã tổ chức hội thảo về Đề án đổi mới trang phục của thẩm phán, hội thẩm TAND và Mô hình phòng xét xử.
Theo ông Phạm Quốc Hưng- Chánh Văn phòng TANDTC, trang phục xét xử riêng cho thẩm phán là điều cần thiết bởi trang phục xét xử hiện nay (veston tối màu hoặc quần âu tối màu, sơmi trắng, cà vạt) cũng là màu sắc thông dụng của trang phục công sở, trường học.
Trang phục này chưa giúp phân biệt được thẩm phán với số đông những người khác, thậm chí so với chính bị cáo hay đương sự, người tham gia, theo dõi phiên tòa nên chưa thể hiện được tính trang nghiêm, đặc thù trong công tác xét xử. Việc đổi mới trang phục của thẩm phán đảm bảo sự hội nhập quốc tế, bởi hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có trang phục riêng đặc thù cho đội ngũ thẩm phán khi xét xử.
![]() Hội thảo về Đề án đổi mới trang phục của thẩm phán, hội thẩm TAND và Mô hình phòng xét xử
|
Theo đề án, khi xét xử, các thẩm phán sẽ sử dụng trang phục làm việc thông thường nhưng có thêm áo thụng dài tay màu đen khoác bên ngoài. Đây cũng là trang phục tương đối phổ biến của các quốc gia trên thế giới. Đối với thẩm phán Tòa gia đình và người chưa thành niên, có hai đề xuất: Sử dụng trang phục thông thường để thể hiện sự thân thiện hoặc sử dụng áo thụng dài tay màu cam khoác bên ngoài. Riêng đối với thẩm phán TANDTC, cần có thiết kế riêng.
Đối với trang phục xét xử của hội thẩm, vì hội thẩm là người đại diện cho Nhân dân tham gia vào việc xét xử của tòa, do vậy khi xét xử, trang phục của hội thẩm không cần phải giống với trang phục của thẩm phán. TANDTC đề xuất không phân biệt trang phục xét xử của hội thẩm Nhân dân với trang phục làm việc hàng ngày.
Trong khi đó, luật sư (LS) Nguyễn Văn Chiến – Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn LS Hà Nội nhấn mạnh đến sự tôn nghiêm của mô hình phòng xử án.
Theo ông Chiến, vị trí chỗ ngồi trong phòng xét xử hiện không phản ánh đúng vai trò của từng thành phần tham gia tố tụng. Chỗ ngồi kiểu này sẽ gây ra lầm tưởng, cả kiểm sát viên (KSV) lẫn thư ký phiên tòa đều nằm trong Hội đồng xét xử (HĐXX) và cũng đang điều khiển phiên tòa. Thay đổi chỗ ngồi sẽ nâng cao trách nhiệm của KSV trong việc bảo vệ quan điểm cáo trạng. LS hay người bào chữa ngang hàng với KSV sẽ có vị thế bình đẳng khi tranh luận tìm ra sự thật.
Nếu thay đổi chỗ ngồi để KSV và LS, người bào chữa ngang hàng nhau, bị cáo hoàn toàn có thể nhìn thấy sự bình đẳng của LS hoặc người bào chữa đang thực hiện chức năng gỡ tội cho mình. Số phận pháp lý của bị cáo, vị trí của các bên tham gia tố tụng cũng phát huy cao hơn vai trò của mình, và có lẽ bản án của tòa án sẽ được nghiêm túc thực thi hơn, số án kháng cáo dần giảm đi khi sự tôn nghiêm của mô hình phòng xử án được thay đổi trong tương lai.
Các nhà làm luật cũng đánh giá, trong một giai đoạn dài, TAND chưa được xác định rõ là cơ quan đại diện cho một nhánh quyền lực nhà nước, nắm quyền tư pháp mà chỉ được coi là một trong các cơ quan bảo vệ pháp chế, bảo vệ pháp luật thông qua việc thực hiện các hoạt động xét xử và giải quyết các vụ việc.
Mặc dù coi tòa án là “công đường” nhưng nhận thức về tòa án, vị trí và vai trò của tòa án còn mờ nhạt. Vì thế, việc đầu tư mọi mặt (thể chế, tổ chức, bộ máy, cán bộ, cơ sở vật chất...) để xây dựng TAND thành biểu tượng công lý chưa được quan tâm đúng mức.
Hiện nay, sự tiếp sức của cải cách tư pháp thời gian qua, nhận thức về vị trí, vai trò của TAND đã có sự thay đổi căn bản. Việc Hiến pháp thừa nhận TAND là cơ quan “thực hiện quyền tư pháp” là sự kiện đặc biệt không chỉ đối với các cơ quan TAND mà còn có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với nền chính trị - pháp lý của nước ta.
“Từ sự thừa nhận đó, cần phải đổi mới toàn diện, kể cả nội dung và hình thức, cả bề rộng và chiều sâu để xây dựng TAND thực sự thành biểu tượng công lý, chỗ dựa của Nhân dân, là nơi thâm nghiêm theo đúng nghĩa “pháp đình” của nhà nước, nơi tổ chức các hoạt động đặc thù theo cách thức đặc thù” - TS Lưu Bình Nhưỡng (Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư) nhấn mạnh.
Dòng sự kiện: