Đổi mới trong công tác dân vận: Tăng tính kết nối

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian tới, Đảng bộ TP Hà Nội tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác dân vận theo hướng chủ động, thiết thực, tập trung vào những việc mới, việc khó.

 Lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận tại quận Hoàng Mai. Ảnh: Việt An.
Hơn 10 năm qua, phong trào “Dân vận khéo” ở Hà Nội đã tạo sức lan tỏa rộng khắp trên các lĩnh vực. Đặc biệt, phong trào “Dân vận khéo” được triển khai gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua như “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... đã phát huy hiệu quả trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội... Điển hình như các mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã giúp tuyên truyền, vận động nông dân hiến đất mở đường, dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó, các mô hình “Dân vận khéo” trong lĩnh vực văn hóa - xã hội phát huy hiệu quả trong xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Thống kê cho thấy, trên địa bàn TP đã có 78.494 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký, 17.114 mô hình được công nhận, biểu dương và khen thưởng từ năm 2009 đến nay. Qua đó, đã góp phần nâng cao được nhận thức, trách nhiệm và phong cách dân vận của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác dân vận.

Nhờ phong trào “Dân vận khéo” được các cấp, các ngành từ TP đến cơ sở đẩy mạnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đã có sức lan tỏa và đạt hiệu quả thiết thực. Thực tế thời gian qua cho thấy, cán bộ dân vận TP đã hướng về cơ sở, gần dân, hiểu dân và nắm bắt kịp thời những tâm tư nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền TP Hà Nội được cải thiện qua các năm. Năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội tăng hơn 3 điểm, tiếp tục trụ vững ở vị trí thứ chín trong bảng xếp hạng, thuộc nhóm các địa phương có chất lượng điều hành tốt. Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) xếp thứ hai trong số 63 tỉnh, TP. Đáng chú ý, năm 2020, dù chịu tác động tiêu cực từ diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, song Hà Nội vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tính đến hết quý III đạt 3,27%. Với sự đồng thuận của người dân, TP đang thực hiện tốt việc vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Trên cơ sở kết quả đã có, trong nhiệm kỳ mới này, Đảng bộ TP xác định tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động công tác dân vận. Trong đó, TP tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc triển khai công tác dân vận, triển khai Quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò của Nhân dân trong việc giám sát tổ chức Đảng và đảng viên, tham gia xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục thực hiện tốt quy định tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn TP. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân... tăng tính kết nối giữa người dân và chính quyền các cấp.

Cùng với đó, Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đặc biệt, tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ gần dân, tin dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với Nhân dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần