Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đổi mới tư duy lập quy hoạch: Tạo đà phát triển Thủ đô

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký quyết định phê duyệt vào ngày 7/3 vừa qua.

Đây là dấu mốc quan trọng khi đã có đầu bài để UBND TP Hà Nội tập trung chỉ đạo triển khai hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt Đồ án quy hoạch trong năm 2022 theo quy định của Chính phủ.

Quy hoạch Thủ đô gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Trung Nguyên  
Quy hoạch Thủ đô gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Trung Nguyên  

Đột phá về nhận thức

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô) được thực hiện theo Luật Quy hoạch là một nhiệm vụ hoàn toàn mới, phức tạp, phương pháp lập quy hoạch theo hướng tích hợp, phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực, khối lượng công việc khổng lồ, liên quan đến nhiều luật khác nhau. Do đó, Nhiệm vụ lập Quy hoạch vừa được phê duyệt được coi như dấu mốc quan trọng thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ với nhiều yêu cầu đổi mới trong công tác quy hoạch của Thủ đô.

Trong đó, đáng chú ý với quan điểm Quy hoạch Thủ đô Hà Nội phải thể hiện được quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, nhất là đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành trên địa bàn, thống nhất đồng bộ với Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển hài hòa các địa phương, vùng lãnh thổ trên địa bàn TP.

Theo các chuyên gia quy hoạch đô thị, với quan điểm định hướng đổi mới quy hoạch không chỉ đáp ứng yêu cầu của Luật Quy hoạch mà còn là bước đột phá nhằm đảm bảo phát triển Thủ đô một cách nhanh, bền vững. Trước đây, các quy hoạch trên địa bàn TP thường được thực hiện rời rạc theo từng ngành, lĩnh vực như kinh tế - xã hội, văn hóa, thể thao, du lịch, y tế, giáo dục, xây dựng, giao thông…

Theo thống kê, trên địa bàn TP có tới 20 quy hoạch kinh tế - xã hội; 76 quy hoạch ngành, lĩnh vực. Hệ thống quy hoạch quá cồng kềnh, thiếu đồng bộ, chồng chéo, không thống nhất dẫn đến những hạn chế trong công tác quản lý của Hà Nội, đồng thời cũng chưa cho thấy được sự phát triển tổng thể của Thủ đô .

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch & phát triển đô thị Việt Nam, TS Đào Ngọc Nghiêm cho hay, với Quy hoạch Thủ đô lần này được lập theo hướng đồng bộ, nổi bật nhất là tích hợp, đa ngành, sẽ giải quyết hài hòa được 3 mục tiêu lớn trong quá trình phát triển. Đó là, làm rõ những định hướng, quan điểm về chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; quan điểm phát triển, gắn kết hạ tầng và cuối cùng là việc tổ chức sắp xếp lại không gian.

Ba mục tiêu này được đề cập hài hòa trong cùng một bản quy hoạch chứ không còn tách biệt. Từ đó thể hiện tầm nhìn và khẳng định vai trò vị thế của Thủ đô Hà Nội, là xây dựng TP phát triển nhanh nhưng vẫn đảm bảo bền vững. Hà Nội phải đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, dẫn đầu về công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, phát triển khoa học và công nghệ…

Ngoài phương pháp lập quy hoạch theo hướng tiếp cận tổng hợp, khoa học, phù hợp với thực tiễn, đa chiều, đa lĩnh vực và ứng dụng công nghệ hiện đại, lần này, Hà Nội có điểm khác với các tỉnh là triển khai đồng bộ các yêu cầu về công tác quy hoạch, định hướng phát triển. Đó là, TP vừa lập quy hoạch mới, vừa điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng, cùng đó xây dựng Chương trình phát triển đô thị. Đặc biệt, TP đang đề xuất điều chỉnh sửa đổi Luật Thủ đô.

“Đây là nhiệm vụ khó khăn trong điều hành của chính quyền Hà Nội nhưng cũng là cơ hội tìm chính sách đặc thù cho phát triển. Do đó, có thể thấy đây là sự đổi mới hoàn toàn trong công tác lập quy hoạch của Hà Nội” - TS Đào Ngọc Nghiêm khẳng định.

Phó Chủ tịch Hội kiêm Tổng Thư ký Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, GS.TS.KTS Đỗ Hậu khuyến nghị, một trong những vấn đề mà Hà Nội cần chú trọng nghiên cứu trong việc lập quy hoạch lần này là làm thế nào để phát triển không gian nông nghiệp đô thị Hà Nội một cách hợp lý, vừa bảo đảm sinh kế người dân, môi trường sinh thái cũng như an ninh lương thực cho TP.

Hoàn thiện hạ tầng đến từng huyện, xã

Trong Nhiệm vụ quy hoạch Thủ đô lần này cũng yêu cầu quy hoạch phải tận dụng tối đa lợi thế phát triển từ các dự án kết cấu hạ tầng động lực về giao thông, du lịch, dịch vụ đã có và đang nghiên cứu đầu tư. Đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thu hút và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn.

TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng đây là định hướng hoàn toàn thích hợp, Hà Nội với diện tích lớn 3.334km2, trong khi đó hệ thống giao thông đã hình thành từ rất nhiều giai đoạn phát triển. Từ hệ thống giao thông ô bàn cờ tại khu vực đô thị lõi, thời gian qua, TP đã triển khai phát triển hệ thống đường vành đai, đường xuyên tâm giúp cho Hà Nội liên kết thuận tiện, giảm áp lực về hạ tầng.

Nhất là yêu cầu quy hoạch lần này chú trọng vai trò của Hà Nội với vùng nên vấn đề phát triển các tuyến vành đai, xuyên tâm được đặt ra. Trên thực tế thời gian qua, Hà Nội đã tập trung thực hiện Vành đai 2; Vành đai 2,5; Vành đai 3 và tới đây là Vành đai 4, xây dựng những cây cầu lớn qua sông Hồng… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại, do vậy lần này nhiệm vụ quy hoạch phải đề xuất kế hoạch tổ chức thực hiện. Trước hết phải hoàn thiện các tuyến đường vành đai đã quy hoạch, có dự án từ lâu nhưng chưa hoàn thành như tuyến Vành đai 3, kết nối các tuyến xuyên tâm.

Với định hướng lần này, hạ tầng kết cấu sẽ được chú trọng như tuyến giao thông trung tâm qua đường Hoàng Quốc Việt kết nối với Ba Vì để phục vụ phát triển thương mại, du lịch, kết nối với phía Tây, với khu vực phía Bắc. Đặc biệt, trong quá trình kết nối phải thể hiện tầm nhìn, tính tới sau 2030 phải có thêm sân bay thứ hai cho Hà Nội, vì sau 10 năm nữa sân bay Nội Bài sẽ khai thác hết công suất.

Bên cạnh đó, trước đây chỉ tập trung vào kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông khung, lần này đặt vấn đề tất cả các xã, huyện nông thôn mới đều phải có kết nối với hạ tầng giao thông khung của TP và các khu vực tỉnh lân cận. Đây là vần đề thách thức với Hà Nội nên rất cần có kế hoạch thực hiện, danh mục dự án để kêu gọi đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông được xem xét đồng bộ trên cả địa bàn TP, tới từng huyện, xã...

Phó Chủ tịch Hội kiêm Tổng Thư ký Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, GS.TS.KTS Đỗ Hậu cho rằng, thời gian tới đây, Hà Nội nên tổ chức hội thảo, bàn thảo rõ, lấy ý kiến các chuyên gia trước khi triển khai lập quy hoạch theo định hướng mà Nhiệm vụ quy hoạch đề ra. Đồng thời rà soát lại phương pháp lập quy hoạch của giai đoạn trước cũng như các đồ án quy hoạch trước đây để nhận ra những điểm cần thay đổi.

 

Theo Nhiệm vụ lập quy hoạch Thủ đô vừa được Chính phủ phê duyệt có 17 nội dung được thể hiện trong quy hoạch Thủ đô Hà Nội 10 năm tới, bao gồm: Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của Thủ đô; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; yêu cầu về phương án phát triển các ngành quan trọng; yêu cầu về phát triển trong điều kiện kết nối Hà Nội với các tỉnh, TP trong Vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng nhằm phát huy vai trò động lực phát triển của Thủ đô trong thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

 

 

Trước đây, Hà Nội vẫn lập các quy hoạch theo phương pháp truyền thống thì nay cần phải có tư duy đổi mới về phương pháp lập quy hoạch đô thị. Việc đổi mới tư duy lập quy hoạch đặc biệt phải bám theo tầm nhìn phát triển của Hà Nội trong tương lai.

Phó Chủ tịch Hội kiêm Tổng Thư ký Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, GS.TS.KTS Đỗ Hậu