Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đổi mới tư duy, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những kết quả của năm 2022 chính là nền tảng vững chắc để TP tự tin bước sang năm 2023, năm bản lề của kế hoạch 5 năm với những mục tiêu không hề dễ dàng.

Trong đó, việc nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, sự đột phá, xác định đúng giải pháp trọng tâm, trọng điểm là vấn đề tiếp tục được đặt ra.

Đồng bộ, hiệu quả các khâu đột phá

TP Hà Nội đặt ra 22 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu chủ yếu của năm 2023, trong đó GRDP tăng khoảng 7,0%; GRDP/người khoảng 150 triệu đồng; vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 6%; kiểm soát chỉ số giá dưới 4,5%; giảm 30% hộ nghèo…

Hà Nội tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Hải Linh
Hà Nội tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Hải Linh

Theo nhận định của các chuyên gia, đây là những mục tiêu khá cao trong thời điểm vẫn nhiều khó khăn hiện nay nhưng cũng khẳng định quyết tâm phát triển của TP. Tuy nhiên, để có thể đạt mục tiêu đề ra, TP cần nhiều hơn các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách thực chất, từng bước khơi thông, huy động mọi nguồn lực cho mục tiêu phát triển.

Như lãnh đạo TP đã nhấn mạnh, để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện nguồn lực có hạn nhưng phải giải quyết nhiều vấn đề nội tại về cơ cấu kinh tế lạc hậu, quá tải về hạ tầng, ô nhiễm môi trường...

TP đã xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2023. Trong đó, tiếp tục thực hiện chủ đề của năm là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, TP xác định có bước chuyển mạnh mẽ hơn nữa trong cách nghĩ, cách làm và tạo đột phá ngay từ cơ sở.

Trong đó, TP sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số các hoạt động quản lý Nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện và phát triển hạ tầng số để cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến; hình thành trục mô hình “Chính quyền số - Công dân số” nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư. Đồng thời với việc đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, TP sẽ tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, chính sách và định hướng dài hạn phát triển Thủ đô.

Cùng với đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho DN. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng và giải phóng mặt bằng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện xử lý 191 dự án có sử dụng đất chậm tiến độ trên địa bàn. Đồng thời, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển thị trường lao động; phấn đấu giải quyết việc làm cho 162.000 lao động.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công từ đầu năm

Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn được giao năm 2023 là một vấn đề trọng tâm được TP xác định. Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Anh Quân, kế hoạch đầu tư công năm 2023 toàn TP là 46.946 tỷ đồng, trong đó cấp TP có 26.126 tỷ đồng, cấp huyện là 19.918,9 tỷ đồng. Cấp TP có 238 dự án, trong đó có 219 dự án chuyển tiếp, 19 dự án mới.

Ngân sách TP hỗ trợ cấp huyện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, di tích và xây dựng hạ tầng gồm 515 dự án. Hiện nay toàn TP có hơn 100 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa phê duyệt dự án, đây là vấn đề cần tập trung khắc phục để kịp thời bố trí vốn.

Đặc biệt lưu ý nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đã yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn.

TP cũng tiếp tục cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn kết quả giải ngân với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao, coi đây là một trong các tiêu chí để xem xét đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và cán bộ, công chức liên quan theo quy định.

Cùng với đó, xây dựng lộ trình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường không phù hợp quy hoạch; chọn 3 - 5 cơ sở để thực hiện trong năm 2023. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng các huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Đan Phượng thành quận…

Đặc biệt, TP Hà Nội sẽ ưu tiên toàn tâm toàn lực tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng đúng tiến độ các dự án đầu tư công, nhất là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, tuyến đường được xem là “Vành đai kết nối mọi vành đai”.

Dự án Vành đai 4 khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho Hà Nội, mà còn tăng khả năng kết nối, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, TP trong Vùng Thủ đô, Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững.

 

"Năm 2023, việc thực hiện cải cách hành chính cần gắn chặt với Đề án phân cấp, ủy quyền, bảo đảm tính thông suốt từ TP đến xã, phường; công tác kiểm tra cũng phải được tích cực, để tính hiệu quả phát huy. Đồng thời, trong triển khai giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, TP cần dự báo về công tác phát sinh; thành lập tổ công tác đặc biệt để xử lý ngay các vấn đề khó khăn; có kịch bản cụ thể, xử lý đơn thư, khiếu nại nhằm triển khai cao nhất giải phóng mặt bằng cho dự án về đích đúng tiến độ." - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Duy Hoàng Dương