Đổi mới tuyển sinh đại học năm 2022, đa dạng hóa các phương thức xét tuyển?

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022 nên được điều chỉnh theo hướng phân hóa cao nếu phục vụ 2 mục đích (xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH), bên cạnh đó tiếp tục đa dạng các phương thức xét tuyển để thí sinh có nhiều con đường khác nhau vào trường ĐH là xu hướng được các chuyên gia giáo dục đề xuất.

Đề thi tốt nghiệp THPT nên phân hóa rõ hơn
Mùa tuyển sinh ĐH năm 2021 cơ bản hoàn thành nhưng có những điều khiến dư luận hoang mang. Điểm chuẩn trúng tuyển của nhiều trường ĐH top trên và top giữa tăng cao hơn năm 2020, thậm chí có ngành lên tới 7 – 8 - 9 điểm; dẫn đến có những thí sinh đạt 26, 27, thậm chí 30 điểm/3 môn vẫn trượt ngành nguyện vọng 1 mình yêu thích nhất. Có 4 nguyên nhân được các chuyên gia giáo dục chỉ ra: Năm nay, số lượng thí sinh thi tốt nghiệp THPT tăng 11%, tương đương 120.000 thí sinh. Số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, cao đẳng tăng gần 24%, trong khi chỉ tiêu của các trường ĐH, CĐ tương đối ổn định. Cộng với, dịch bệnh Covid-19 khiến số lượng lớn thí sinh có ý định đi du học nước ngoài chuyển hướng đăng ký xét tuyển trường ĐH trong nước.
Một nguyên nhân làm cho điểm trúng tuyển ĐH dâng cao là ảnh hưởng của dịch Covid-19, chương trình học được giảm tải, đề thi tốt nghiệp THPT của các năm 2020 và 2021 “giới hạn” phạm vi kiến thức. Đề thi tốt nghiệp THPT dễ đồng nghĩa với phổ điểm dâng cao hơn. Theo thống kê của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo – ĐH Quốc gia Hà Nội, điểm 8 – 10 tăng mạnh ở các môn Toán, Hóa học, Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục công dân trong 2 năm trở lại đây. Ví dụ, điểm 8 - 10 của năm 2021 đặc biệt cao ở các môn: Ngữ văn 41,7% (năm 2019 chỉ là 14%); Giáo dục công dân là 71,5% (năm 2019 là 38,4%); Tiếng Anh là 22,4% (năm 2019 chỉ là 5,8%)…
 Năm 2021, điểm chuẩn trúng tuyển của các trường đại học tăng cao, khiến có những thí sinh đạt 26 - 27 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1 yêu thích nhất. Ảnh: Phạm Hùng.
Trao đổi về việc đề thi tốt nghiệp THPT dễ, điểm xét tuyển ĐH tăng nhiều, PGS.TS Lê Hữu Lập – nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng: Kỳ thi tốt nghiệp THPT có mục đích xét tốt nghiệp là chính thì đề thi tập trung vào kiến thức đạt chuẩn, không cần nhiều độ phân hóa cao. Việc lấy kết quả này để xét tuyển sinh ĐH có bất cập vì các trường chọn thí sinh khá, giỏi. Khi đề thi có độ phân hóa không cao, khó chọn chính xác những em khá giỏi; bởi chênh nhau 1% điểm là ranh giới giữa trượt – đỗ, đó là sự bất cập. Đề thi tốt nghiệp THPT nên được phân hóa cao hơn (60% - 40%), 40% là phân hóa dành cho thí sinh giỏi (kiểu như đề thi THPT Quốc gia năm 2018. Nhưng tóm lại, mục đích kỳ thi phải được xác định rõ ràng, có dùng cho cả xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH không thì ra đề mới trúng.
 Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2021 tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: USSH.
“Trong bối cảnh việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực của các cơ sở giáo dục lớn (ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa Hà Nội) chưa thể mở rộng ngay để “phủ” cho toàn bộ các trường ĐH, CĐ trong cả nước, dự báo trong vài năm tới, các cơ sở giáo dục tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, dù tỉ trọng xét có thể sẽ thu hẹp lại qua từng năm.
Từ góc độ là đầu mối tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT có thể tính toán để đề thi có sự phân hóa rõ rệt hơn, sẽ “nhất cử lưỡng tiện”: Vừa đảm bảo được mục tiêu xét tốt nghiệp cho học sinh, vừa tạo cơ sở tốt cho các trường ĐH và CĐ xét tuyển và không phát sinh chi phí nhân lực – tài lực” - Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội GS.TS Hoàng Anh Tuấn nêu ý kiến.
Nhân rộng các phương thức tuyển sinh đại học
Theo dõi bức tranh tuyển sinh ĐH trong 2 năm 2020 và 2021 cho thấy, các trường ĐH, nhất là những trường top đầu đã thử nghiệm, đa dạng hóa các phương thức xét tuyển. Bên cạnh xét tuyển sinh dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển theo học bạ, nhiều trường ĐH tiệm cận phương thức kết hợp, phối hợp nhiều tiêu chí khác nhau; ví dụ, sử dụng một phần kết quả thi kèm với chứng chỉ quốc tế (IELTS, SAT, ACT,...).
Các chuyên gia giáo dục cho biết, việc gia tăng các phương thức xét tuyển ĐH là hết sức cần thiết; điều này đồng nghĩa với các trường lấy chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm dần. Bàn luận về nội dung này, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường ĐH Ngoại thương Nguyễn Thị Hiền cho biết, việc tuyển sinh theo phương thức nào tùy thuộc vào tiêu chí lựa chọn thí sinh cho phù hợp với các ngành mà nhà trường đào tạo.

Tân sinh viên ngành Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội trong ngày nhập học năm 2020.
“Quan điểm của trường ĐH Ngoại thương sẽ dùng nhiều cách, vì tiêu chí lựa chọn vào các chương trình rất khác nhau. Chương trình tiên tiến, đòi hỏi thí sinh phải có năng lực tiếng Anh rất tốt, thông qua tiêu chí rất khách quan như IELTS. Nhưng trường vẫn lựa chọn xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT để giúp thực hiện mục tiêu rất quan trọng là đảm bảo khả năng tiếp cận trong giáo dục đối với những học sinh ở vùng sâu, xa – nơi chưa có điều kiện tiếp cận các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, năng lực quốc tế. Do vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là một trong những tiêu chí quan trọng để các trường lựa chọn được thí sinh và đảm bảo mục tiêu giáo dục cho nhà trường” – bà Nguyễn Thị Hiền cho hay.
Trong khi việc sử dụng kết quả học bạ để xét tuyển ĐH chưa được các trường tin tưởng và nếu mỗi trường ĐH đều tổ chức thi tuyển riêng để tuyển sinh thì rất bất cập cho thí sinh, xã hội và tốn kém tiền bạc. Vì thế, để giải quyết vấn đề này cho tuyển sinh ĐH, lãnh đạo các trường ĐH và các chuyên gia giáo dục khuyến nghị cần có cuộc thi đánh giá năng lực thí sinh, đề thi có độ phân hóa cao.
 Niềm vui của các tân sinh viên khoa Du lịch học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội trong ngày nhập học năm 2020.
“Các trung tâm ĐH uy tín như ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cần tổ chức bài thi đánh giá năng lực rộng rãi để thí sinh thuận lợi trong đăng ký thi; các trường ĐH, CĐ hoàn toàn có thể tham gia sử dụng kết quả bài thi để xét tuyển. Bên cạnh đó, hoạt động tuyển sinh thông qua các chứng chỉ quốc tế, những giải quốc gia, học sinh chuyên xuất sắc… vẫn nên được tiếp tục và nhân rộng” – GS Hoàng Anh Tuấn đề nghị.
GS Hoàng Anh Tuấn cho rằng, việc nhân rộng các phương thức tuyển sinh này góp phần đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn tuyển cho các trường ĐH, quan trọng hơn là giảm tải cho phương thức xét tuyển kết quả thi THPT vốn đã không còn là kỳ thi “quốc gia” và cũng chỉ còn hướng vào mục tiêu xét tốt nghiệp cấp III.