Việc cưỡng chế nhằm thực hiện Thông báo số 38/TB-UBND ngày 7/2/2017 của UBND TP Hà Nội chỉ đạo chấm dứt toàn bộ hoạt động của các DN kinh doanh trong phạm vi quản lý Hồ Tây; Xác định vị trí tập kết và tổ chức di chuyển các tàu, thuyền, phương tiện nổi về 1 vị trí tập kết, xây dựng kế hoạch tháo dỡ, di dời triệt để các phương tiện ra khỏi Hồ Tây.
Lãnh đạo quận Tây Hồ cho biết, thời gian qua, UBND quận đã nghiêm túc chủ trì phối hợp cùng các sở, ngành TP có liên quan tổ chức di chuyển toàn bộ tàu, thuyền, phương tiện nổi của các DN neo đậu tại khu vực Đẩm Bảy, phường Nhật Tân. Đồng thời, liên tục tổ chức tuyên truyền, vận động các DN chấp hành di dời các phương tiện ra khỏi Hồ Tây. Đến nay, đã có 144/147 phương tiện được di dời.
Hiện tại, còn lại 3 phương tiện có kích thước và tải trọng bản thân lớn của 2 DN chưa chấp hành di dời ra khỏi Hồ Tây. Trong đó, Công ty CP Nhà nổi Hồ Tây có 2 phương tiện là Nàng tiên cá 1 và Nàng tiên cá 2; Công ty CP Sông Potomac 1 phương tiện là tàu Potomac.
Đối với tàu Nàng tiên cá 1 và Nàng tiên cá 2 của Công ty CP Nhà nổi Hồ Tây, UBND quận Tây Hồ đã ban hành Quyết định số 98/QĐ-XPHC ngày 5/12/2022 về xử phạt vi phạm hành chính và Quyết định số 12/QĐ-CCXP ngày 15/2/2023 về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Theo Quyết định số 12/QĐ-CCXP ngày 15/2/2023 của UBND quận Tây Hồ về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, thời gian để chủ đầu tư – Công ty CP Nhà nổi Hồ Tây tự khắc phục hậu quả là 15 ngày kể từ ngày quyết định có hiệu lực. Tuy nhiên, đến này hôm nay, chủ đầu tư vẫn không chấp hành việc cưỡng chế nên các lực lượng chức năng phải tiến hành cưỡng chế theo quy định và mọi chi phí tháo dỡ, chủ đầu tư là Công ty CP Nhà nổi Hồ Tây phải chịu toàn bộ.
Khi nói đến quận Tây Hồ, không thể không nhắc đến Hồ Tây - một danh thắng, địa danh văn hoá lịch sử nổi tiếng của Thủ đô. Vì vậy, việc bảo tồn, giữ gìn và khai thác thế mạnh Hồ Tây luôn được các cấp, ngành quan tâm, tổ chức thực hiện.
Việc phát triển kinh tế của quận Tây Hồ được gắn với quản lý, khai thác có hiệu quả Hồ Tây. Quận Tây Hồ đã xây dựng, ban hành nhiều đề án, chương trình để khai thác tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, dịch vụ bước đầu đã đạt được kết quả nhất định; Thực hiện di chuyển phương tiện thuỷ nội địa về khu vực Đầm Bảy - Hồ Tây theo chỉ đạo của UBND TP góp phần bảo vệ cảnh quan và moi trường sinh thái Hồ Tây.
Để thực hiện được mục tiêu đó, thời gian qua, quận Tây Hồ đã chủ động, tích cực phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nghiên cứu, xây dựng đề án quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác phát huy giá trị của Hồ Tây và phụ cận theo định hướng phát triển của Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại.
Theo đó, đề án được xây dựng trên nguyên tắc bền vững và dài hạn, gắn phát triển kinh tế xã hội với bảo vệ môi trường, đảm bảo tính khả thi trong triển khai đề án, phù hợp với nguồn lực của TP và quận Tây Hồ giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đề án đã xác định sẽ tập trung vào việc đánh giá điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, kinh tế xã hội, xác định các giá trị văn hoá, cảnh quan, giá trị thiên nhiên phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn, khai thác giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận.
Đồng thời, đề án đánh giá thực trạng công tác quản lý, bảo tồn và khai thác làm cơ sở tháo gỡ các khó khăn, bất cập hiện nay nhằm phát huy các giá trị văn hoá của Hồ Tây và vùng phụ cận. Việc yêu cầu di dời, cưỡng chế các bến cập du thuyền ra khỏi Hồ Tây cũng là một trong những biện pháp để thực hiện hiệu quả đề án.