Đối phó Nga, EU tiếp tục hỗ trợ nông dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 2 tháng sau khi Tổng thống Nga ký lệnh gia hạn cấm nhập khẩu nông sản từ một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đến tháng 8/2016, Ủy ban châu Âu (EC) hôm qua (7/8, theo giờ địa phương) đã quyết định gia hạn các biện pháp hỗ trợ nông dân khu vực đến cuối tháng 6/2016.

Các biện pháp hỗ trợ của EU cho nông dân được triển khai từ giữa năm ngoái, nhằm giúp giảm nhẹ ảnh hưởng từ lệnh cấm vận của Nga với các mặt hàng rau, quả, sữa và thịt từ EU.  Lệnh cấm nhập khẩu của Nga liên quan đến 4,2% tổng xuất khẩu của 28 nước thành viên EU, trị giá 5 tỷ Euro. Theo ước tính ban đầu, xuất khẩu hoa quả châu Âu vào Nga đã giảm 12%.
Đối phó Nga, EU tiếp tục hỗ trợ nông dân - Ảnh 1
Ngoài ngân sách dành cho kích cầu, tìm kiếm thị trường thay thế, EU cũng tăng phần bồi hoàn cho các nông dân bị thiệt hại, bao gồm hỗ trợ các sản phẩm tồn đọng với khoảng 3.000 tấn đối với mỗi quốc gia thành viên. 

Riêng Bỉ, khoảng 85.000 tấn táo và lê, 16.750 tấn rau (cà chua, dưa chuột, cà rốt,…) sẽ được bồi thường. Trước đó, riêng lệnh cấm vận của Nga khiến các nhà sản xuất thiệt hại khoảng 280 triệu euro và tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của Bỉ. Điển hình như ngành sữa cũng chịu thiệt hại nặng vì Bỉ xuất khẩu 1/3 lượng phômai và 1/4 lượng bơ vào thị trường Nga.
Đối phó Nga, EU tiếp tục hỗ trợ nông dân - Ảnh 2
Nhằm hỗ trợ nông dân đối phó với lệnh cấm từ Nga, từ ngày 17/3 năm ngoái, EC đã chi 33 triệu euro để hỗ trợ thị trường đào, 125 triệu euro hỗ trợ các nhà sản xuất rau quả có thời hạn bảo quản ngắn, thịt, sữa bột và phômai, cũng như 30 triệu euro để kích cầu hàng nông nghiệp châu Âu.

Theo kế hoạch, ngày 7/9, Bộ trưởng Nông nghiệp các quốc gia EU sẽ nhóm họp ở Brussels nhằm đánh giá các biện pháp hỗ trợ hiện hành và có thể ban hành một số chính sách mới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần