KTĐT - "Nên tỉnh táo. Cứ làm theo yêu cầu, cố gắng nhận dạng đặc điểm đối tượng như giới tính, chiều cao, độ tuổi, giọng nói hoặc phương tiện gây án...".
Thượng tá Phạm Văn Hưng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) Công an TP Hà Nội đưa ra lời khuyên như vậy, sau vụ việc gí dao vào cổ con tin giữa chợ vừa xảy ra ở quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Theo ông Hưng, mỗi đêm CSCĐ phát hiện 3-4 vụ mang dao, kiếm, súng bắn đạn hoa cải, bình xịt hơi cay...
Không tỉnh táo là có thể bị "xỉa" ngay Thượng tá Phạm Văn Hưng: "Tình trạng gây án bằng dao, kiếm ngày càng tăng" (ảnh HL)
- Từ vụ án ở chợ Xanh, người dân rất lo lắng về tình trạng manh động gây án của đối tượng. Dù nạn nhân không hề có mâu thuẫn gì với hung thủ nhưng vẫn bị gí dao vào cổ gây áp lực với công an. Theo ông, nên đối phó với tình trạng này thế nào?
- Để phòng ngừa với loại đối tượng mạnh động này, mọi người nên có ý thức cảnh giác để tự bảo vệ mình. Ví dụ như hạn chế đi đêm khuya, nếu có không nên đi vào nơi vắng vẻ một mình vì đây là nơi đối tượng lợi dụng để cướp giật. Đồng thời, nên chủ động, thấy điều gì bất thường nên kịp thời dừng lại báo cho cơ quan công an.
- Trường hợp bị hung thủ khống chế như "dao kề cổ, súng gí đầu", ông khuyên nạn nhân nên làm thế nào?
- Nhiều đối tượng trộm cắp rất manh động, chỉ cần có hành động bất thường là hung thủ sẵn sàng đâm, bắn... "xỉa" ngay. Nếu không tỉnh táo sẽ dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Tốt nhất ở trong tình thế không thể chống cự được và bị động hoàn toàn nên tỉnh táo. Cứ nhẹ nhàng làm theo yêu cầu của đối tượng, đồng thời lợi dụng sơ hở. Sau khi đối tượng tẩu thoát, cố gắng nhận dạng đặc điểm đối tượng như giới tính, chiều cao, độ tuổi, giọng nói hoặc phương tiện gây án. Đây là nguồn thông tin rất quan trọng làm cơ sở điều tra. Khi thoát khỏi sự nguy hiểm nên báo ngay cơ quan công an.
- Với kinh nghiệm tuần tra, kiểm soát, theo ông làm thế nào để phát hiện đối tượng có biểu hiện bất thường?
- Như đêm hôm thấy đám thanh niên cứ rong ruổi trên đường không có mục đích gì cả. Nói thẳng, thời gian ấy, cán bộ công nhân viên hay học sinh đã phải đi nghỉ còn lại chỉ có chơi bời hoặc "tăm tia" trộm cắp, cướp giật hoặc rượu say gây gổ đánh nhau. Đi vào khu vực vắng vẻ mà bắt gặp đám thanh niên tụ tập thì phải đặt nghi vấn thì không chuẩn bị đánh nhau thì cũng là vừa trộm cắp xong đang chuẩn bị đi tiêu thụ. Thấy đối tượng lạ bấm chuông hay hỏi cửa cũng nên đề phòng. Còn ở quán thấy đối tượng chạy vào hoặc để tay phía sau hay có điều gì bất thường cũng nên cảnh giác...
Ngày nào cũng đối mặt với nguy hiểm
- Tình trạng mang vũ khí thô sơ rất nhiều, trung bình mỗi tối CSCĐ bắt 3-4 vụ mang bình xịt hơi cay, súng bắn đạn hoa cải, dao, kiếm, mã tấu... Gần như tối nào cũng có. Thậm chí, có vụ đối tượng mang đến 20 dao kiếm để chuẩn bị chém nhau. Phải xác định, đối tượng mang vũ khí như thế, không đánh nhau cũng là cướp giật. Những trường hợp này, nếu bị phát hiện là chúng sử dụng ngay hung khi đó chống lại.
Gần đây, số đối tượng dùng loại này càng manh động hơn. Nhiều khi trong những trường hợp va chạm giao thông đơn giản, có thể nhìn nhau cũng cho là "nhìn đểu", thậm chí người lạ... cũng bị các đối tượng rút rao, rút kiếm chém. Phần lớn thanh niên đi đêm hôm khuya đều có dao, vũ khí và dùng vào đánh nhau, gây án. Mỗi tuần có hàng chục vụ mang dao kiếm, công cụ hỗ trợ kiểu này.
- Ông nhận định thế nào về tình trạng này trong thời gian tới?
- Từ nay đến Tết, xác định đây là tháng "củ mật" nên tình hình an ninh trật tự sẽ phức tạp hơn, từ cướp giật, ma túy đến buôn bán pháo nổ, đua xe. Hiện Trung đoàn CSCĐ đã xây dựng kế hoạch tăng cường tuần tra, kiểm soát đấu tranh chống tội phạm hình sự đặc biệt tập trung vào trộm cắp, cướp giật, gây rối trật tự công cộng... Đối phó với tình trạng này, lực lượng CSCĐ đã yêu cầu CBCS tuần tra đúng đội hình nên tất cả các trường hợp chống đối đều bị bắt.
Tình trạng mang vũ khí thôi sơ, công cụ hỗ trợ này càng ngày càng gia tăng. Từ vi phạm giao thông, khi gặp lực lượng CSCĐ không chấp hành mà chống trả quyết liệt như: không kí biên bản, xé biên bản, túm cổ - giật ve áo CSCĐ. Có tháng hơn chục vụ tấn công người thi hành công vụ kiểu này.
- Mỗi ngày ra đường gần như là đối mặt với nguy hiểm, thưa ông?
Ngày nào cũng thế, ngày nào cũng có. Luôn luôn phải nêu cao cảnh giác, thực hiện đúng quy trình tuần tra, 4 đồng chí làm nhiệm vụ đều được trang bị đầy đủ kể cả vũ khí nóng. Phân công đồng chí nào khám xét, đồng chí nào cảnh giới, hỗ trợ ... Cho nên mọi hành động của đối tượng đều bị CSCĐ chủ động phát hiện, xử lý kịp thời. Rất may, từ đầu năm đến nay chưa có CSCĐ nào bị thương vong từ sự tấn công này mà đều bị bắt giữ, xử lý.
- Thường đối với loại tội phạm bắt cóc con tin hay khống chế nạn nhân, cơ quan công an thường sử dụng biện pháp gì để giải cứu?
- Tùy từng vụ án mà có phương án riêng, kế hoạch riêng chứ không phải vụ nào cũng như nhau.