Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đổi tên từ “thu phí" sang "thu giá" BOT: Có phải đường của doanh nghiệp đâu!

Nguyên Anh (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên hành lang Quốc hội sáng nay (23/5), đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã bày tỏ quan điểm xung quanh việc từ “thu giá” lần đầu xuất hiện thay cho khái niệm "thu phí" BOT đã sử dụng lâu nay.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trao đổi với báo chí.
Khi khái niệm “thu phí BOT” được chuyển thành “thu giá BOT”, lịch sử đã có ghi nhận chưa thưa ông?
Các trạm BOT giao thông tiến hành thu phí để hoàn vốn đầu tư, nhưng gần đây lại xuất hiện thuật ngữ “thu giá BOT” và tên gọi các “trạm thu phí BOT cũng được chuyển thành trạm "thu giá" BOT. Tôi cho rằng sở dĩ có việc này, nguyên nhân là thiếu minh bạch, thiếu công khai. Tại sao bây giờ có rất nhiều điều kiện công khai sao không làm. Ví dụ như bảng điện tử, đầu tư bao nhiêu, ngày hôm nay thu được bao nhiêu tiền rất rõ và nếu làm như vậy sẽ minh bạch hơn. Chúng ta quan tâm đến lợi ích của nhà đầu tư, DN nhưng lợi ích phải trên cơ sở minh bạch. Tuy vậy, hiện nay chính cơ quan quản lý lại không coi đó là điều kiện tiên quyết. Chủ yếu là công bằng cho nhà đầu tư và cho cả người dân. Cho nên tôi cho rằng tính giá hay tính phí cơ quan quản lý phải làm cho rõ.
Những khoản thu phí thì sẽ về ngân sách địa phương, về Trung ương nhưng thu giá thì DN chỉ có nghĩa vụ đóng thuế và phần thu về ngân sách sẽ nhỏ?

Bộ GTVT nói, phải xem BOT là một sản phẩm của DN, mà DN thì ấn định giá. Còn phí thì mang tính chất Nhà nước. Tôi xin nói rằng, đường không phải là sở hữu của nhà đầu tư, thu phí là thu lại giá trị cho nhà đầu. Đó nếu là đường của anh, nhà của anh, nhưng với nhà đầu tư hiện nay chỉ bỏ một lượng tiền nâng cấp, tăng giá trị tăng trưởng lên thì được coi là thu phí.
Giải thích cho vấn đề này, Bộ GTVT cho rằng, nếu chuyển sang thu giá thì DN sẽ chủ động linh hoạt hơn. Ví như nếu chuyển sang thu giá thì DN giảm giá thu BOT sẽ không cần xin nhiều các cấp mà chỉ cần qua Bộ quản lý?

Tôi cho rằng ít có khả năng giảm giá vì với DN họ muốn an toàn nhất và muốn thu hồi vốn nhanh nhất và như vậy họ luôn luôn muốn điều chỉnh tăng chứ không phải giảm.
Có ý kiến cho rằng đổi tên “giá” với “phí” thì chỉ là đánh tráo khái niệm khi BOT vốn đã tù mù nay sẽ tù mù hơn, ông nghĩ sao?

Nếu là con đường của DN mới là giá, nhưng họ chỉ đầu tư một phần như là đóng góp cổ phần giá trị của sản phẩm, họ không phải sở hữu nên không thể gọi là giá được. Vấn đề không phải là đổi tên mới mà phải cố gắng xử lý thỏa đáng một số trạm BOT bị cho là đặt sai chỗ hoặc có mức thu chưa đúng, bị coi là chưa minh bạch như phản ánh.
Xin cảm ơn ông !
Trước đó, trao đổi với báo chí bên lề hành lang Quốc hội chiều 22/5 Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, xung quanh việc các trạm thu phí BOT được đổi tên thành "trạm thu giá" trong thời gian qua là việc chuyển đổi này dựa trên quy định của Chính phủ.
"BOT là một sản phẩm của DN nên họ tự định giá; còn phí thì mang tính chất Nhà nước. Việc đổi tên này không có gì khác mà chỉ là linh động hơn", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.