So với các xã trong vùng, từ lâu Quảng Bị vẫn được coi là địa phương phát triển, bởi đã từng là thủ phủ của huyện Chương Đức xưa. Từ khi hợp nhất về Hà Nội (1/8/2008), đặc biệt trong những năm gần đây, thu nhập bình quân của Quảng Bị liên tục tăng.
Năm 2021 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 63,7 triệu đồng/năm; năm 2022 đạt 67,5 triệu đồng, dự kiến từ năm 2023 đạt trên 75 triệu đồng/người/năm.
Sản xuất nông nghiệp ở Quảng Bị phát triển theo hướng hàng hóa, chuỗi liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, cho hiệu quả kinh tế cao.
Chủ tịch UBND xã Quảng Bị Vũ Văn Mạnh thông tin, hiện toàn xã có 326 phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được UBND huyện phê duyệt diện tích 48,48ha, với các mô hình như: Trang trại tổng hợp, nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả giá trị kinh tế cao. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ; trường học, trạm y tế được xây sửa khang trang, 2 nhà văn hóa được xây dựng mới đạt chuẩn.
100% đường giao thông nông thôn được cứng hóa; 100% đường trục chính giao thông nội đồng được cứng hóa hoặc rải sỏi cấp phối phục vụ tốt nhu cầu đi lại sản xuất của Nhân dân.
Toàn xã có 93,6% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 4/4 thôn đạt danh hiệu “Thôn văn hóa”. Tăng tỷ lệ hộ giàu, hộ khá, giảm dần hộ nghèo, hiện nay toàn xã chỉ còn 1 hộ nghèo.
Các cụm dân cư, hộ gia đình thực hiện theo nếp sống mới có nhiều tiến bộ trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo hướng đơn giản, tiết kiệm và văn minh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương luôn được giữ vững. Việc tiếp cận và ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên rõ rệt. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và các đoàn thể luôn được chú trọng.
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên,việc quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ được quan tâm. Việc kiểm tra, giám sát trong Đảng được duy trì. Công tác dân vận và hoạt động của MTTQ và các đoàn thể Nhân dân có nhiều đổi mới. Vị trí vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng ngày một nâng cao...