Quá “nhiều tội”
Báo cáo về tình hình khám chữa bệnh (KCB) BHYT của các cơ sở y tế tư nhân, đại diện BHXH Việt Nam cho rằng, bệnh nhân vào BV tư phải chi nhiều hơn. Cụ thể, chi bình quân một đợt KCB ngoại trú là 384.528 đồng, nội trú là 3.584.312 đồng. Trong khi đó, chi bình quân của cả nước ngoại trú chỉ 202.000 đồng/lượt, nội trú 2.748.000 đồng. Một số BV bệnh nhân phải chi phí rất cao khi khám ngoại trú như BV Việt Pháp TP Hồ Chí Minh 4.166.392 đồng, BV Tân Sơn Nhất TP Hồ Chí Minh 3.658.956 đồng... Còn chi điều trị nội trú một đợt rất cao, cụ thể, BV Tim Tâm Đức (TP Hồ Chí Minh) hơn 22 triệu đồng, BV Đông Đô (Hà Nội) gần 15 triệu đồng, BV Tâm An (Thanh Hóa) hơn 13 triệu đồng.
Cuộc đối thoại căng thẳng giữa BHXH Việt |
Ngoài ra, vị đại diện này cũng chỉ rõ, nhiều cơ sở y tế tư nhân thiếu nhân lực xét nghiệm Xquang hoặc dược làm việc trong giờ hành chính, do đó không đảm bảo việc KCB và cấp thuốc cho người bệnh có BHYT trong giờ hành chính. Hoặc KCB ngoài giờ nhưng không xác định cụ thể thời gian KCB ngoài giờ. Không ghi rõ thời gian đăng ký hành nghề KCB của bác sĩ theo quy định, dẫn đến tình trạng bác sĩ đang làm việc tại các cơ sở KCB công lập nhưng vẫn thực hiện KCB trong giờ hành chính tại các cơ sở KCB tư nhân. Có tình trạng 1 bác sĩ đăng ký hành nghề KCB ngoài giờ tại nhiều cơ sở KCB trong cùng 1 thời gian.
Bên cạnh đó, đa số BV có số giường thực kê vượt 50% so với kế hoạch, thậm chí như Công ty CP BV Đa khoa Vạn Phú (Bến Tre) giường kế hoạch là 50, nhưng thực kê lên đến 200 giường. Riêng vấn nạn trục lợi BHYT là đáng bức xúc nhất. Nhiều đơn vị chỉ định nhiều thuốc đắt tiền, nhiều dịch vụ kỹ thuật nội soi, chụp CT, MRI, siêu âm màu tim mạch đối với người có thẻ BHYT nhằm thu hút bệnh nhân. Riêng việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật vượt định mức thời gian quy định của Bộ Y tế vẫn thường diễn ra. Cụ thể, BV Thái Thượng Hoàng (Nghệ An) chỉ định hàn Composite cổ răng 24 răng/lần, tính bình quân thực 5 phút/răng, trong khi Bộ Y tế quy định 30 phút/răng để đảm bảo chất lượng. Một số cơ sở KCB tư nhân có tỷ lệ chỉ định nội soi tai mũi họng gần 100% cho các bệnh nhân đến khám tai mũi họng, hoặc 50% bệnh nhân điều trị tại khoa Y học cổ truyền đều được chỉ định chụp CT-Scanner...
Bệnh viện tư “phản pháo”
Phản pháo lại ý kiến phía BHXH Việt Nam cho rằng, khối BV và phòng khám tư chỉ chăm chăm đầu tư những chuyên khoa “hót”, còn những mảng đang thiếu hụt hiện nay là lao, HIV, tâm thần, giải phẫu bệnh… thì không đơn vị nào tiên phong, ông Nguyễn Văn Hoàng Đạo – Chủ tịch Hội đồng quản trị BV Tân Sơn Nhất khẳng định: “Các anh đừng hô hào, không ai đầu tư đâu”. Cũng theo ông Đạo, các BV tư tính toán kỹ, đầu tư phải có lãi, đầu tư sai lầm là thất bại. “BV như nhà máy sản xuất sức khỏe, đầu vào là những người có bệnh, đầu ra là những người khỏe mạnh. Nghĩa là phải có nguyên liệu, bệnh nhân chính là “nguyên liệu”, nếu không có bệnh nhân đến là thất bại, 30 - 40% BV tư nhân đang có nguy cơ này” -ông Đạo nói.
Riêng những chỉ trích khác của phía BHXH Việt Nam, ông Phạm Văn Học - Chủ tịch HĐQT BV Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) thừa nhận, có những tồn tại đó. Tuy nhiên, theo ông Học cùng nhiều đại diện BV tư khác không đồng ý với nhận định: “Có hiện tượng trục lợi BHYT, đặc biệt là khối BV tư” và đề nghị phải chỉ rõ đơn vị nào trục lợi, không được “vơ đũa cả nắm”, ảnh hưởng đến uy tín BV tư.
Ông Nguyễn Quang Duy – Tổng Thư ký Hiệp hội BV tư nhân Việt Nam bày tỏ: “Chúng tôi đang có cảm giác lo sợ và thất vọng. Lo sợ là không ai bảo vệ chúng tôi mà BV tư đang bị phân biệt đối xử”. Còn thất vọng là cơ quan BHXH chưa làm tròn vai của mình, đẩy nhiều BV tư lâm vào cảnh nợ nần. “Tiền KCB BHYT từ năm 2016 vẫn chưa được cơ quan BHXH thanh toán, các BV tư phải đi vay ngân hàng, vừa rồi BHXH bảo cho tạm ứng. Đó thực chất là trả nợ, đừng đánh đồng khái niệm” - ông Duy phản ứng. Ngoài ra, ông Duy cũng đặt câu hỏi: “Cơ quan BHXH ký hợp đồng BHYT với BV nhưng họ lại đi giám định chúng tôi, vậy có công bằng không? Tại sao không có một bộ phận độc lập khác thực hiện công việc này?”. Ông Duy chốt lại vấn đề bằng một mong mỏi: “Chúng tôi khát khao được bình đẳng”!
Phản ứng gay gắt trước những gì mà BHXH Việt Nam chỉ ra về BV tư, ông Nguyễn Văn Đệ – Chủ tịch Hiệp hội BV tư nhân Việt Nam bày tỏ: “Tôi không đồng tình với cả 3 bản báo cáo của BHXH Việt Nam về BV tư nhân, vì nó không đúng bản chất. Những bản báo cáo đó đã chạm vào lòng tự trọng của chúng tôi”. Ông Đệ hy vọng những cuộc đối thoại tiếp theo sẽ không có những va chạm, nặng lời với nhau và mong muốn Bộ Y tế cùng BHXH Việt Nam tạo điều kiện để BV tư phát triển, tất cả vì mục tiêu khám, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.