Đối thoại để lắng nghe nguyện vọng của dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hai buổi đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ với Nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn vừa kết thúc trong niềm hân hoan của người dân.

Bên cạnh những đổi mới trong công tác tổ chức và thái độ cầu thị, lắng nghe của lãnh đạo huyện, điều đọng lại chính là tinh thần xây dựng và trách nhiệm của người dân đối với sự phát triển của địa phương.

Làm sao để dân giàu?

Cũng giống như năm trước, tinh thần của người dân Phúc Thọ đến với buổi đối thoại vẫn tràn trề sự phấn chấn, bởi hiếm có dịp được trao đổi thẳng thắn với lãnh đạo cao nhất huyện. Đúng giờ làm việc, hội trường gần như được phủ kín, đại biểu xã nào ngồi trật tự, nghiêm túc ở khu vực đã được bố trí. Và chỉ chờ sau lời phát biểu, gợi ý của Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu, hàng chục cánh tay đã giơ lên xin được bắt đầu đối thoại. Người xin thêm vài phút, người xin phép nói thêm một câu, ai cũng muốn hỏi được thật nhiều tới hai lãnh đạo huyện trên bàn chủ tọa.
Quang cảnh buổi đối thoại tại huyện Phúc Thọ. 	Ảnh: Thắng Văn
Quang cảnh buổi đối thoại tại huyện Phúc Thọ. Ảnh: Thắng Văn
Trong rất nhiều vấn đề dân sinh bức xúc nổi lên như VSMT, quản lý đất đai, an ninh trật tự, đào tạo nghề cho lao động nông thôn... dễ thấy một trong những vấn đề được người dân quan tâm nhất là phát triển kinh tế. Điều này cũng dễ hiểu bởi nói như ông Chu Văn Năm (xã Cẩm Đình), Phúc Thọ là huyện thuần nông nhưng diện tích đất bình quân trên đầu người ít trong khi công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển. Theo ông Năm, phải có giải pháp quy hoạch các vùng sản xuất nông sản an toàn, có thương hiệu và liên kết với DN tiêu thụ sản phẩm cho người dân. "Đây là điều kiện quan trọng để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2020" - ông Năm cho hay.

Trăn trở của ông Năm cho thấy, mối quan tâm của người dân không chỉ dừng lại ở việc cá nhân mà đã mang tính toàn cục, lớn hơn. Bà Đào Thị Vinh, xã Cẩm Đình chia sẻ, muốn phát triển kinh tế mô hình mạ khay, máy cấy đang có hiệu quả, được người dân đón nhận. Tuy nhiên khó khăn hiện nay là thiếu đội ngũ cán bộ bảo dưỡng, sửa chữa, đặc biệt là phụ thuộc vào sự "độc quyền" của công ty phân phối nên khó nhân rộng. bên cạnh đó, sau dồn điền đổi thửa, cần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân yên tâm sản xuất.

Củng cố niềm tin

Điểm mới trong buổi đối thoại năm nay so với năm ngoái là trực tiếp Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ trả lời, giải đáp các kiến nghị của Nhân dân. Không khí đối thoại khá thẳng thắn, cởi mở đi thẳng trực tiếp vào vấn đề. Lần đầu tiên trực tiếp đăng đàn, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cũng đã làm thỏa mãn người dân với những câu hỏi liên quan đến chính sách phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, quản lý đất đai. Theo ông Phú, thời gian qua, huyện Phúc Thọ đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới như mạ khay, máy cấy, kỹ thuật nhà màng, nhà lưới, đồng thời tạo điều kiện cho nông dân được tiếp cận kỹ thuật mới. Riêng về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa, huyện Phúc Thọ đã có kiến nghị TP giao trực tiếp cho cấp huyện thực hiện để đẩy nhanh tiến độ.

Ngoài ra, giúp Nhân dân phát triển kinh tế, huyện cũng có quy hoạch 6 khu tiểu thủ công nghiệp làng nghề. Trong đó có riêng nghị quyết chuyên đề phát triển làng nghề xã Tam Hiệp. Về vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu khẳng định, đúng là thời gian qua chất lượng đào tạo nghề ở một số nơi vẫn còn những hạn chế nhất định. Tới đây, huyện sẽ yêu cầu thẩm định rõ chất lượng của trường dạy nghề để việc đào tạo đạt hiệu quả thiết thực, giúp nông dân có việc làm sau học nghề. Đối với những vấn đề thuộc phạm vi thẩm quyền trách nhiệm của cấp xã, bên cạnh việc trao đổi làm rõ cho Nhân dân hiểu, hai lãnh đạo cao nhất của huyện Phúc Thọ cũng giao cho Bí thư, Chủ tịch UBND các xã tiếp thu, giải đáp với người dân tại địa phương. Theo ông Ngọ Duy Hiểu, buổi đối thoại cũng là dịp để đội ngũ cán bộ nhìn nhận lại năng lực lãnh đạo, thái độ phục vụ Nhân dân, để hoàn thiện mình. Đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những hiến kế của người dân nhằm xây dựng huyện ngày một giàu mạnh, văn minh.

Trước đó, trong năm 2014, huyện Phúc Thọ đã tổ chức thành công 2 buổi đối thoại với đại diện 23 xã, thị trấn trên địa bàn. Qua đối thoại, nhiều vấn đề dân sinh bức xúc đã bước đầu được giải quyết, mang lại sự tin tưởng, phấn khởi trong Nhân dân. Đặc biệt, năm qua, huyện Phúc Thọ đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội với 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới cho hiệu quả cao...