Đừng để muộn hơn!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để hạn chế những hiện tượng tâm lý tiêu cực nơi học đường, các nhà quản lý giáo dục đã chú tâm đến những hoạt động văn hóa nhằm cuốn hút học sinh, sinh viên (HS, SV) vào các sinh hoạt lành mạnh như đẩy mạnh phong trào văn nghệ, thể thao, các câu lạc bộ học đường…

Cuối tuần vừa rồi, Bộ GD&ĐT còn có văn bản yêu cầu các sở GD&ĐT tổ chức giáo dục kỹ năng sống cho HS. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần có phòng tư vấn tâm lý (TVTL) trong các nhà trường và cần cả sự năng động từ các nhà quản lý để HS, SV có “điểm tựa” tâm lý…

Phải được… định danh

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, để “gỡ rối” cho các em, gia đình là chỗ dựa đầu tiên. Dù là lời giải thích, phân tích hay là lời động viên, thậm chí trách mắng đều có thể giúp các em vượt qua được khủng hoảng tâm lý tuổi mới lớn. Song hành với cha mẹ, thì trường học – nơi gần như mọi hoạt động, diễn biến tâm lý diễn ra, chính là chỗ dựa không thể thiếu của HS, SV. Có 82,31% HS được hỏi bày tỏ mong muốn nhà trường, cơ sở giáo dục có phòng TVTL riêng, kín đáo để thuận tiện cho các em đến và chia sẻ về các vấn đề tâm lý của bản thân. Đa số HS, SV mong muốn trong nhà trường có cán bộ chuyên trách TVTL được đào tạo bài bản, có chuyên môn về tâm lý học đường để tháo gỡ giúp các em những vướng mắc khó xử trong cuộc sống. Các em cho rằng, khi chia sẻ với cán bộ TVTL chuyên trách sẽ đỡ e ngại hơn. Ông Nguyễn Hiệp Thống – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội phân tích, việc xây dựng phòng TVTL sẽ giúp HS có nơi chia sẻ tâm tư, tình cảm, đánh giá quan hệ với bạn bè, tìm hiểu tâm, sinh lý bản thân hay góp ý về tiết dạy, thái độ của giáo viên (GV)... “Ở lớp học, GV chủ nhiệm có thể làm việc đó, nhưng với 40 - 50 HS mỗi lớp thì GV khó có đủ thời gian để lắng nghe và trả lời chu đáo những chia sẻ của học trò. Mới đây, trong dự án của Tổ chức Plan tìm hiểu và được biết một nữ sinh ở huyện Ba Vì đã thú thực mình bị quấy rối tình dục trong gia đình... Những minh chứng cho thấy, rất cần phòng TVTL trong trường học. Các em cần nơi để chia sẻ nhưng lại không có” – ông Thống nói.

 
Buổi học ngoại khóa tại phòng truyền thống trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Ảnh: Chiến Công
Buổi học ngoại khóa tại phòng truyền thống trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Ảnh: Chiến Công
Buồn là hiện nay, nhiều trường học chưa có phòng TVTL. Điều lệ trường học có quy định, các nhà trường phải có phòng giáo dục thể chất, phòng y tế học đường, tùy theo điều kiện có thể có phòng tiếp dân, nhưng lại không có dòng nào, chữ nào dành cho phòng TVTL – điều hết sức cần thiết cho HS, SV hiện tại. Chính vì vậy, các trường chưa có cơ sở để thành lập phòng chức năng này. Ông Thống thừa nhận, phòng TVTL như một chìa khóa tháo gỡ những rối nhiễu tâm lý của HS, ngăn ngừa hành vi tiêu cực. Thế nên, “Sở GD&ĐT Hà Nội đã chính thức đề xuất với Bộ GD&ĐT đưa vào Điều lệ trường học về việc phải có phòng TVTL, đây là hoạt động phải được định danh. Ngoài ra, cần phải có chế độ, chính sách cho những người làm công tác này, đầu tư trang, thiết bị, có tài liệu hướng dẫn. Đặc biệt, phải bảo mật thông tin cho người muốn tư vấn. Lời giải bài toán về phòng TVTL cho HS trong các nhà trường không thể muộn hơn” – ông Thống nhấn mạnh.

Cần lắm sự năng động

Bên cạnh việc “định danh” cho phòng TVTL học đường, các nhà quản lý cũng cần năng động hơn, quan tâm nhiều hơn tới việc tạo chỗ dựa tâm lý cho HS, SV. Cách quan tâm đến hoạt động TVTL học đường ở TP Hồ Chí Minh cũng là mô hình để các nhà làm giáo dục tham khảo và rút kinh nghiệm.
Hà Nội rất quan tâm chăm sóc đạo đức cho HS, đã đưa bộ sách giáo dục đạo đức vào giảng dạy, tới đây tiếp tục đưa bộ Quy tắc ứng xử vào giảng dạy ở các trường. Hiện, Hà Nội đang phối hợp với Tổ chức Plan Việt Nam triển khai dự án phòng chống bạo lực trong trường học, với hơn 20.000 HS tham gia.
Ông Nguyễn Hiệp ThốngPhó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội

Khẳng định như vậy là bởi, hoạt động TVTL nói chung và tư vấn học đường nói riêng tại TP Hồ Chí Minh đã được khởi động từ những năm 1990. Đại diện của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh chia sẻ, từ năm 2008, Sở đã tham mưu và được UBND TP bổ sung biên chế GV tư vấn. Sở cũng tập hợp đội ngũ chuyên gia hàng đầu về tư vấn trường học để soạn thảo các quy định về chế độ, chính sách, hướng dẫn các nội dung hoạt động. Tiếp đó là ban hành quy định tạm thời về công tác tư vấn trường học trong các trường phổ thông trên địa bàn TP. Để giải quyết khó khăn trong việc bố trí GV làm tư vấn, Sở yêu cầu các trường bố trí GV thích hợp để kiêm nhiệm hoặc mời GV phù hợp để ký hợp đồng… Những hoạt động này là động lực để một số trường ĐH mở chuyên ngành đào tạo GV tư vấn học đường. Vì thế mà hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã có 114 GV tư vấn được đào tạo bài bản, góp phần giảm số kiêm nhiệm xuống còn 863 người. Đặc biệt, nhờ sự vận động từ các nguồn lực, nhiều trường đã có phòng tư vấn riêng, trang bị đầy đủ điện thoại, máy tính có nối mạng, tư liệu tư vấn, tranh ảnh...

Đi sâu vào việc tổ chức các hoạt động TVTL cho SV, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh đưa ra nhiều chương trình và diễn đàn: Chương trình Sức khỏe học đường, Diễn đàn “Hành trang sống của SV”... Đặc biệt là xây dựng chuyên mục “Hộp kín online” trên website Đoàn Thanh niên - Hội SV của trường. Chương trình là địa chỉ tin cậy để giải đáp những thắc mắc khó nói trong cuộc sống liên quan đến tâm tư, tình bạn, tình yêu, giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản… Những mô hình này thực sự thiết thực đối với các bạn trẻ nơi học đường, để hỗ trợ phát triển tâm lý, nhân cách. Đây là hoạt động cấu thành của nhà trường nhân văn hiện đại, nên rất cần Bộ GD&ĐT ban hành chính sách, chương trình đào tạo phù hợp để nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành văn hóa học đường.

Như các chuyên gia tâm lý nhìn nhận, đã đến lúc vấn đề TVTL cho HS, SV phải được đặc biệt chú trọng ở cả gia đình và nhà trường, để các em không thấy cô đơn khi phải tự mình giải quyết các vấn đề, tránh những hệ quả đau lòng có thể xảy ra.

 
Đại diện trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Công tác văn hóa, văn nghệ có vai trò rất lớn trong việc bồi dưỡng nhân cách, giáo dục toàn diện cho SV; đồng thời hình thành môi trường văn hóa lành mạnh trong nhà trường, giúp gắn kết đội ngũ cán bộ, GV với SV hơn. Vì thế, cần đẩy mạnh hoạt động này cho các em vui chơi, giải trí, giảm bớt áp lực trong học tập, nghiên cứu và đặt niềm tin nhiều hơn vào cán bộ nhà trường để chia sẻ các vấn đề.