Quận Hai Bà Trưng triển khai không gian đi bộ:

Đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế

Bài, ảnh: Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2022 với quyết tâm phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, quận Hai Bà Trưng đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 20/20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đông đảo người dân đến vui chơi tại Không gian đi bộ khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận (quận Hai Bà Trưng) ngay trong buổi tối khai trương (30/12/2022).
Đông đảo người dân đến vui chơi tại Không gian đi bộ khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận (quận Hai Bà Trưng) ngay trong buổi tối khai trương (30/12/2022).

Cụ thể, lĩnh vực kinh tế của quận hoàn thành 3/3 chỉ tiêu được giao, với giá trị sản xuất ngành thương mại –dịch vụ tăng 18,3%, ngành công nghiệp – xây dựng tăng 15,5% so với năm trước; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 11.406 tỷ đồng, bằng 105% dự toán TP và HĐND quận giao, tăng 5% so với dự toán TP giao.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội hoàn thành 11/11 chỉ tiêu, với 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch, đảm bảo an sinh xã hội. Lĩnh vực quản lý đô thị, tài nguyên, bảo vệ môi trường hoàn thành 3/3 chỉ tiêu. Quận cũng hoàn thành 3/3 chỉ tiêu quốc phòng – an ninh; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt hơn 99%...

Trong những kết quả đó, điểm nhấn quan trọng là quận nỗ lực triển khai nhiệm vụ TP giao, đã hoàn thành xây dựng Đề án “Tổ chức không gian phố đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận, vườn hoa, đường dạo quanh hồ Thiền Quang gắn với phát huy giá trị cụm di tích Chùa Quang Hoa - Thiền Quang - Pháp Hoa” (không gian đi bộ khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận).

Theo quy chế UBND quận xây dựng về quản lý hoạt động không gian đi bộ, giai đoạn 1 gồm đoạn tuyến phố Trần Nhân Tông (từ nút giao với phố Quang Trung đến ngã năm Trần Bình Trọng), trục chính công viên Thống Nhất (từ cổng công viên đến hồ Bảy Mẫu) và toàn bộ khu vườn hoa, cây xanh, dường dạo quanh hồ Thiền Quang. Tổng chiều dài tuyến đi bộ 1.600m, tổng diện tích sử dụng 109.300m2. Không gian đi bộ hoạt động từ thứ Bảy đến Chủ nhật hằng tuần và ngày lễ, sự kiện theo kế hoạch; mùa Hè từ 7 giờ 30 thứ Bảy đến 24 giờ Chủ nhật, mùa Đông từ 8 giờ thứ Bảy đến 24 giờ Chủ nhật (dịp lễ, sự kiện đặc biệt sẽ thông báo trước kế hoạch).

Giai đoạn 2, nghiên cứu mở rộng hơn với các đoạn phố quanh hồ Thiền Quang (Quang Trung, Nguyễn Du, Trần Bình Trọng) và vùng phụ cận (kết nối các phố lân cận, khu biểu diễn, công trình kiến trúc).

Để hoạt động không gian đi bộ từ đầu năm 2023 đúng chỉ đạo, quận đã phối hợp các sở ngành hoàn chỉnh 11 phương án triển khai các nội dung: Tổ chức không gian đi bộ khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận; đảm bảo PCCC&CNCH, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch; tổ chức giao thông tĩnh; sắp xếp ngành hàng giới thiệu sản phẩm, ẩm thực; xây dựng không gian văn hóa, hoạt động nghệ thuật…

Cuối tháng 12/2022 khi hàng rào công viên Thống Nhất (đoạn phố Trần Nhân Tông) được tháo dỡ để kết nối công viên với không gian đi bộ, UBND quận đã yêu cầu UBND phường Nguyễn Du, Lê Đại Hành cùng lực lượng chức năng quận tăng cường biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị khu vực này.

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Nguyễn Quang Trung khẳng định: Hoạt động không gian đi bộ sẽ góp phần quan trọng phát huy giá trị không gian văn hoá - lịch sử của các di tích và công trình xung quanh, tạo nét đẹp văn hoá và văn minh đô thị đặc trưng của Hà Nội; phát huy giá trị không gian xanh đô thị, nâng cao chất lượng sống người dân.

Ngoài tiện ích của khu phố, người dân đến tham quan còn được tận hưởng một trong những không gian cảnh quan cây xanh, mặt nước lớn nhất Thủ đô là công viên Thống Nhất. Đặc biệt, không gian đi bộ chính là động lực mới thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội quận và Thủ đô, nhất là phát triển mô hình kinh tế ban đêm.