Đòn bẩy chuyển đổi số ngành văn hóa thể thao và du lịch

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, việc chuyển đổi số quốc gia của ngành VHTT&DL đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa đồng đều ở các lĩnh vực, nhiều chỉ tiêu đạt được còn thấp so với mục tiêu đến năm 2025.

Vừa qua, Bộ VHTT&DL tổ chức Hội nghị - Hội thảo Chuyển đổi số của ngành VHTTDL. Gần 40 tham luận của các đại biểu về chuyển đổi số thuộc tất cả các lĩnh vực, từ văn hóa di sản, bảo tàng, điện ảnh, bản quyền đến thể thao, du lịch và vấn đề an toàn, an ninh thông tin trong chuyển đổi số đã cung cấp một bức tranh tổng thể về hiện trạng của chuyển đổi số trong ngành.

Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Chuyển đổi từ nhận thức

Các tham luận đã cung cấp một bức tranh tổng thể về hiện trạng của chuyển đổi số trong ngành VH&TTDL, đặc biệt là trong thời gian thử thách của đại dịch Covid-19.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: Chuyển đổi số là đòn bẩy khách quan tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hiểu được điều này, Văn Miếu Quốc Tử Giám đã bước đầu triển khai một số hoạt động liên quan tới chuyển đổi số.

Du khách sử dụng vé điện tử tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Du khách sử dụng vé điện tử tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Trước hết, Văn Miếu đã thực hiện số hoá một số nội dung, giá trị của 40 hạng mục của di tích, để mã hoá thành các QR code cho khách tham quan. Thứ hai, ở Văn Miếu đã triển khai thiết bị thuyết minh tự động (Audio Guide) bằng 12 ngôn ngữ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những việc làm ban đầu, và thực tế một di tích quan trọng như Văn Miếu vẫn chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu và các sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ để phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị thông tin chuyên sâu tới du khách tham quan.

Theo ông Lê Xuân Kiêu, khó khăn đầu tiên trong quá trình chuyển đổi số chính là nhận thức của những người lãnh đạo và của chính cán bộ. Bởi vì thực tế ngay chính cán bộ cũng nghĩ rằng chuyển đổi số sẽ làm mất công việc của người lao động. Khó khăn thứ hai là ở cơ chế, các văn bản pháp luật làm sao để chuyển đổi số tạo điều kiện cho các đơn vị có thể triển khai được, cùng với sự chung tay của xã hội. Thứ ba, nguồn lực cho chuyển đổi số rất lớn. Do đó, cần phải ưu tiên, chọn lọc những việc tiến hành trước.

Tương tự như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, những năm gần đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ số trong giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật. Ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA là một trong những nỗ lực bước đầu của bảo tàng trong việc giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật phục vụ khách tham quan và phát huy hiện vật bảo tàng trên môi trường số.

TS Nguyễn Anh Minh cho biết: “Chúng tôi đã mất hơn 2 năm để tạo ra ứng dụng công nghệ iMuseum VFA và nhờ các chuyên gia là những nhà nghiên cứu lý luận, mỹ thuật, để cùng xây dựng sản phẩm này. Khó khăn lớn nhất là làm sao để tích hợp nội dung về tác phẩm một cách ngắn gọn với thời gian chỉ 3 phút. Sau khi ứng dụng công nghệ, số lượng khách vào Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tăng từ 30 – 40%”.

Tuy nhiên, người đứng đầu bảo tàng Mỹ thuật cũng thừa nhận, một trong những khó khăn là yếu tố con người bởi không phải cán bộ nào cũng am hiểu về công nghệ.

Đồng bộ số hoá

Việt Nam có một kho tàng di sản rất đồ sộ với 3.500 di tích quốc gia, hơn 4.000 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với 8.000 lễ hội truyền thống... Tất cả các dữ liệu này, theo lộ trình sẽ dần dần được số hóa và trở thành tài sản để dựa vào đó phát huy, bảo tồn, duy trì.

Về các công việc trọng tâm trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ VHTT&DL cho biết: “Bộ có 3 dự án cốt lõi trong công tác chuyển đổi số. Đó là hệ thống xây dựng một nền tảng số theo trục dọc và xây dựng hạ tầng lưu giữ hệ thống máy chủ - được coi là "trái tim" về dữ liệu số của Bộ VHTT&DL. Ngoài ra, chúng tôi có các dự án tạo đà phát triển, đó là dự án về số hóa các di sản văn hóa và dự án chuyển đổi số trong ngành du lịch. Tất cả các di sản văn hóa sẽ được xây dựng trên bình diện tổng quát đối với việc xây dựng bản đồ số về các hệ thống các di tích, danh lam thắng cảnh, điểm đến hấp dẫn của Việt Nam".

“Có thể thấy, trong chương trình du lịch của các nước trên thế giới bao giờ cũng có các điểm đến là các di sản. Chúng ta có một kho tàng di sản rất đồ sộ với 3.500 di tích quốc gia, hơn 4.000 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và với 8.000 lễ hội truyền thống... Tất cả các dữ liệu này, chúng tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ dần dần được số hóa và trở thành tài sản để chúng ta dựa vào đó phát huy, đồng thời dựa vào đó để bảo tồn, duy trì”- Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, BTC cũng khai trương Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ VHTT&DL. Đây là hệ thống thu thập, tổng hợp, phân tích số liệu báo cáo và cung cấp số liệu để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ kết nối tới Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Hệ thống được triển khai theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước về chế độ báo cáo của Bộ VHTT&DL một cách thuận tiện, nhanh chóng.

 

Công cuộc chuyển đổi số được xác định là một trong ba giải pháp đột phá chiến lược để xây dựng một Việt Nam hùng cường thịnh vượng để đến năm 2045 kỷ niệm tròn 100 năm thành lập nước, Việt Nam chúng ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, điều này đã được kết tinh trí tuệ của toàn đảng, toàn dân ghi trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần