Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đòn bẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng trưởng GDP từ mức 2,91% lên 6,5% như mục tiêu Chính phủ đặt ra là không dễ bởi dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, nhiều nước trên thế giới đã đóng cửa lần 3. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn có thể đạt được mục tiêu này. Vậy, đâu là động lực - đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?

Đầu tư toàn xã hội sẽ tăng
Về đầu tư, kỳ vọng tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tăng mạnh trong năm 2021, trong đó cần phục hồi đầu tư DN (tư nhân và FDI) và đẩy mạnh đầu tư công cơ sở hạ tầng. Đầu tư tư nhân đã tăng nhanh trong 4 năm qua, trong khi đầu tư công được siết chặt do tác động của nhiều yếu tố. Đến năm 2020, điều này lại ngược lại vì tác động của dịch Covid-19 kéo đầu tư tư nhân sụt giảm. Cụ thể, năm 2020 có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong cả giai đoạn 2016 - 2020. Theo Tổng cục Thống kê, 1 đồng đầu tư công lan tỏa tới thu hút đầu tư tư nhân tới 4,2 đồng. Nếu cứ tăng giải ngân 1% đầu tư công thì GDP tăng 0,06%.

Kế hoạch đầu tư công, Quốc hội khóa 14 đã chốt ngân sách 2,75 triệu tỷ đồng, phân ra Trung ương và địa phương. Theo Bộ KH&ĐT, trong kế hoạch năm 2021 sẽ có các dự án từ năm 2020 chuyển tiếp sang. Còn với dự án mới, chúng ta có 2 loại dự án mới. Loại 1 là dự án chưa được làm nhưng đã có trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 và loại thứ 2 là dự án chưa bao giờ xuất hiện, phải đưa vào kế hoạch trung hạn 2021 - 2025.
 Công nhân làm việc tại Nhà máy điện Á Châu, khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Thanh Hải
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, bên cạnh đầu tư công, trong năm 2021, để có tăng trưởng lạc quan như 6,7 - 7%, đầu tư tư nhân cần được phục hồi. "Một điểm khác cũng trở thành cơ hội trong điều hành chính sách khi đây là thời điểm Việt Nam có thể hạ lãi suất không chỉ trong ngắn hạn” - ông Thành nhận định và cho rằng, nếu duy trì được mặt bằng lãi suất thấp sẽ là động lực thúc đẩy đầu tư DN tư nhân năm 2021 và những năm sau. Theo sau đó là sự nối lại của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư nước ngoài năm 2020 có giảm, nhưng số tuyệt đối vốn FDI vào Việt Nam tăng lên đáng kể. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn hấp thu được dòng vốn nước ngoài đồng thời vẫn giữ được ổn định vĩ mô.

Tiêu dùng trong nước phục hồi

Năm 2020, nhu cầu trong nước cũng duy trì rất tốt, với tiêu dùng tư nhân hồi phục một cách tương đối nhờ vào sự giảm thiểu tác động của dịch bệnh. Theo đánh giá của chuyên gia tài chính - ngân hàng Cấn Văn Lực, tiêu dùng cá nhân của Việt Nam hiện nay tương đương khoảng 81% GDP về mặt quy mô. Nếu như quy mô của thị trường này tăng thêm 1% thì lập tức GDP sẽ tăng thêm 0,12 điểm %. Ðiều đó cho thấy, sức mua của gần 100 triệu dân đang hỗ trợ mạnh mẽ cho nền kinh tế, là động lực để khơi thông dòng chảy cung cầu trên thị trường, kích hoạt việc làm cho cả nền kinh tế. “Chúng ta phát động phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến bây giờ người Việt Nam đang thích hàng Việt Nam, tiến tới rất thích” - TS Cấn Văn Lực nhận định.

Theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tốc độ tăng của thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2019 gấp 2,45 lần năm 2010 (hơn 2.600 USD so với 1.061 USD), đã theo sát tốc độ tăng trưởng GDP gấp 2,5 lần trong cùng thời gian. Ðiều đó có nghĩa là, thành quả của tăng trưởng GDP chuyển gần hết vào thu nhập của người dân; như vậy “nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng mạnh trở lại với mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2021 sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong trung và dài hạn, thu nhập bình quân tính trên đầu người cũng tăng tương ứng, trở thành lực lượng tiêu dùng lớn”. Để kích cầu tiêu dùng nội địa, theo ADB, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, đây sẽ là động lực rất lớn để DN, người dân thích ứng với kiểu hình mua sắm mới. Cùng với đó, chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ vẫn phải ở trạng thái hỗ trợ tăng trưởng để phục hồi sức mua trên thị trường trong nước. Việt Nam đang sở hữu dân số trẻ với ba triệu người đã tham gia tầng lớp trung lưu toàn cầu. Đây là những đối tượng cần kích thích chi tiêu cá nhân.

Triển vọng xuất khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế

Hội nhập kinh tế quốc tế đạt được nhiều kết quả quan trọng đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường. Trong đó có hiệp định thương mại tự do (FTA) với 60 nền kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho các DN mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu, thúc đẩy xuất khẩu.

Động lực tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 vẫn là xuất khẩu, đây là "vị cứu tinh" trong năm 2020. Xuất khẩu năm 2020 tăng 6,5% nhờ Việt Nam có thị trường xuất khẩu đa dạng. Khi lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc đã bù đắp suy giảm các thị trường EU, ASEAN. “Tuy nhiên trong năm 2021, việc tiếp tục xuất khẩu mạnh sang Hoa Kỳ sẽ gặp nhiều thách thức lớn khi thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam với Hoa Kỳ năm 2020 lên tới 62,7 tỷ USD theo số liệu của Tổng cục Hải Quan Việt Nam. Dù vậy, Việt Nam sẽ xuất khẩu mạnh sang EU nhờ EVFTA và ASEAN nhờ RCEP” - ông Nguyễn Xuân Thành, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, chia sẻ.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, năm 2021, cộng đồng DN rất mong muốn Bộ Công Thương tiếp tục thể hiện vai trò "nhạc trưởng" trong quá trình thực thi các FTA. Đó là việc tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa XK của Việt Nam; tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; thực hiện Đề án "Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ"; kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu, chủ động phòng ngừa, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, bảo vệ hợp lý các ngành sản xuất trong nước; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, phát triển mạnh thương mại điện tử, đặc biệt là xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam...

Năm 2021, dù nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5% là tham vọng, song các chuyên gia cho rằng, xét trên bình diện những gì đã làm được trong năm 2020, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để đạt được. Bên cạnh 3 động lực chính trên, yếu tố quan trọng giúp kinh tế năm 2021 của Việt Nam tăng trưởng đó là nỗ lực bền bỉ của DN; là vai trò của Nhà nước là đột phá về thể chế, cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thúc đẩy đầu tư, sản xuất và đột phá nguồn nhân lực. Phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam.

"Năm 2021 là năm đầu tiên của thập niên mới, là năm đầu tiên của chu kỳ kinh tế 10 năm, các cơ hội sẽ mở ra nhiều hơn cho kinh tế Việt Nam, cho các khu vực DN trong năm 2021 và những năm tiếp theo" - Giám đốc điều hành kiêm Trưởng Bộ phận đầu tư VinaCapital Andy Ho kỳ vọng.

"Bước sang năm 2021, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã được Chính phủ đưa vào Chương trình hành động triển khai các Nghị quyết số 01, Nghị quyết số 02/CP và chỉ đạo một cách đồng bộ, quyết liệt ngay từ những ngày đầu năm; tập trung xây dựng kịch bản tăng trưởng để tổ chức điều hành. Các bộ ngành và địa phương cũng phải chủ động xây dựng các kịch bản tăng trưởng năm 2021, điều hành bắt tay ngay công việc, lấy lại đà tăng trưởng. " - Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ KH&ĐT - TS Trần Hồng Quang


"Ngân hàng Thế giới cho biết có tới 60% DN tồn tại được trong đợt dịch Covid-19 nhờ chuyển đổi mô hình kinh doanh. Đó là áp dụng kinh tế số, nền tảng kinh tế chia sẻ và dữ liệu đám đông, dữ liệu đám mây để giải quyết bài toán kinh doanh khi lệnh giãn cách xã hội không cho phép các giao dịch trực tiếp. Do đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phát triển mạnh hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. " - Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh - PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo