Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồn Biên phòng Rạch Gốc với “thế trận lòng dân”

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Không những làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển, cán bộ chiến sĩ (CBCS) Đồn Biên phòng Rạch Gốc còn thực hiện nhiều việc có ý nghĩa giúp người dân nơi đơn vị đồn trú.

Huy động sức mạnh toàn dân thông qua công trình xã hội
Đồn Biên phòng Rạch Gốc quản lý thị trấn Rạch Gốc và 2 xã Tân Ân, Viên An Đông (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Trong những năm qua, đồn luôn được lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Cà Mau và lãnh đạo chính quyền địa phương đánh giá cao.
 Đại úy Bùi Tự Đắc hướng dẫn bài vở cho cháu Võ Thị Ngọc Huyền.
Đại úy Nguyễn Minh Tuấn, Phó Đồn trưởng Biên phòng Rạch Gốc, cho biết địa bàn đồn quản lý khá lớn so với các Đồn Biên phòng khác trong tuyến biển Cà Mau, với 5 cửa lớn nhỏ thông ra biển, rất thuận tiện trong việc ngư dân đi lại cũng như đánh bắt hải sản. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ an ninh chính trị, CBCS đồn ngày đêm sát cánh với chính quyền và người dân địa phương, tham mưu cho địa phương xây dựng các mô hình kinh tế biển để người dân thực hiện nhằm xóa đói giảm nghèo, từ đó huy động sức mạnh toàn dân tham bảo vệ chủ quyền vùng biển quốc gia.
“Đồn luôn chú trọng các ngành nghề truyền thống và các ngành nghề mới. Đặc biệt tham mưu cho địa phương đưa bà con tham gia mô hình nuôi tôm, cua sinh thái dưới tán rừng do Công ty Minh Phú làm chủ đầu tư rất hiệu quả. Ngoài ra, CBCS đồn còn cùng với địa phương sửa chữa đường nông thôn, chỉ riêng đường bê tông đã sửa được khoảng 44km. Trong năm, đồn còn tham gia nhiều hoạt động công ích: cử gần 50 lượt CBCS đến sửa chữa 6 căn nhà cho người dân bị lốc xoáy; đẩy mạnh công tác từ thiện bằng việc vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, người già neo đơn, học sinh nghèo học giỏi. Đến thời điểm này, đã tặng hơn 2.500 suất quà trị giá trên 800 triệu đồng. Bên cạnh đó, đồn còn huy động từ nguồn lực của đơn vị trích ra 20 suất quà, trị giá hơn 10 triệu đồng tặng cho gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”, đại úy Nguyễn Minh Tuấn, chia sẻ.
Ngoài những công tác trên, Đồn Rạch Gốc còn thực hiện tốt các chương trình do Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đề ra, như: “Nâng bước em tới trường”, đỡ đầu 2 học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn, trị giá mỗi suất 4,5 triệu đồng/năm/em. Đơn cử trường hợp của học sinh Võ Thị Ngọc Huyền (SN 2009, lớp 5A Trường Tiểu học 2 - thị trấn Rạch Gốc), mẹ cháu Huyền mất vì bệnh tim, cha cũng bị bệnh tim và phổi.
Gia đình quá nghèo nên bố của Huyền phải lên tận tỉnh Bình Dương tá túc nhà các em của mình để chữa bệnh. Vì vậy chị Võ Thị Trúc (SN 1982, ngụ thị trấn Rạch Gốc, cô ruột của Huyền), phải nuôi cháu. Chị Trúc nói trong nước mắt: “Vợ chồng tôi có 2 con đang tuổi ăn học, mỗi ngày cả gia đình sống dựa vào nguồn thu nhập hơn 150.000 đồng từ việc bán bánh bao, nhưng vì tình máu mủ nên tôi cố nuôi cháu Huyền. Khi biết được hoàn cảnh Huyền mồ côi, học giỏi. Các anh bộ đội Đồn Rạch Gốc đã đưa Huyền vào danh sách hỗ trợ. Nhờ sự trợ cấp của Đồn Biên phòng, vợ chồng tôi đỡ phần nào trong việc nuôi Huyền ăn học”.
Lao mình vào biển lửa để cứu người
Không những thực hiện tốt công tác dân vận, khi nhà ông Võ Văn Thiêm (SN 1965, ngụ ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển), bị cháy vào đêm 26/10/2019, nghe tin CBCS lập tức tới dập lửa cứu người. “Lúc nhà cháy, bên trong có rất nhiều trẻ em, CBCS của đồn đã không ngại nguy hiểm lao vào cứu được 8 cháu nhỏ ra ngoài rồi dập lửa”, đại úy Bùi Tự Đắc, cán bộ đồn kể lại.
 CBCS Đồn Biên phòng Rạch Gốc không những cứu được 8 người con, cháu ông Võ Văn Thiêm, mà còn xây lại nhà cho gia đình nạn nhân.
Tiếp chúng tôi, ông Thiêm xúc động nói: “Gia đình tôi rất mang ơn bộ đội Đồn Rạch Gốc. Các chú bộ đội không những cứu mạng các con, cháu tôi, mà còn cho gạo, thực phẩm và 2 triệu đồng để mua quần áo. Sau đó, còn vận động những người hảo tâm trong xã cho cây, tấm lợp và tự trích tiền lương mua thêm vật liệu, cử CBCS đến xây lại nhà cho gia đình tôi”.
Theo thiếu tá Bùi Vũ Phương, Phó Đồn trưởng Biên phòng Rạch Gốc, ngoài những hoạt động giúp dân, nhằm củng cố cơ sở chính trị trên địa bàn, Đồn Rạch Gốc phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành ở địa phương trong các hoạt động: bầu trưởng phó ấp, khóm hoặc các tổ an ninh tự quản. Qua các hoạt động này, các đoàn thể rất tin tưởng Đồn Biên phòng.
“Thực hiện Chỉ thị 09 năm 2012 của Tỉnh ủy Cà Mau về phân công đảng viên tham gia sinh hoạt tại ấp, khóm. Đơn vị cử 2 đồng chí tham gia sinh hoạt tại khóm 1 và ấp Tô Rô (xã Tân Ân). Qua việc thực hiện Chỉ thị 09, các chi bộ ấp, khóm đánh giá rất cao việc CBCS tham gia sinh hoạt và giúp chi bộ về văn bản hành chính hoặc tham mưu có hiệu quả cho Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn khu vực biên giới biển.
Trong năm 2019, Đồn Rạch Gốc còn phối hợp với các ngành địa phương, với Cảnh sát biển, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Sở NN&PTNT tỉnh tổ chức 6 đợt tuyên truyền pháp luật, có trên 1.200 người dân và ngư dân tham dự. Nội dung tuyên truyền lồng ghép tình hình biển đảo, các Luật (Luật Biển, Luật Biên giới quốc gia, Luật Thủy sản, Luật Cư trú…), các văn bản, nghị định về quản lý người, phương tiện ở khu vực biên giới biển…, để người dân nắm và thực hiện”, thiếu tá Bùi Vũ Phương, cho biết thêm.
“Đội tàu an toàn” – Cánh tay nối dài của biên phòng
Bên cạnh công tác vận động, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Để nhiệm vụ an ninh chính trị trở nên thực tiễn hơn, từ năm 2007 khi được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Cà Mau cho phép, Đồn Rạch Gốc đã phối hợp với địa phương thành lập “Đội tàu an toàn” hoạt động cho đến nay với 27 phương tiện. 
Theo đại úy Nguyễn Minh Tuấn, mục đích của “Đội tàu an toàn” nhằm hỗ trợ giữa các ngư dân trong quá trình đánh bắt trên biển, hoặc tham gia tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn. Các thành viên trong đội tàu gồm nhiều ngành nghề, đều tự nguyện tham gia, hoạt động theo quy chế và có qũy riêng nhằm hỗ trợ trong đội. Để vào đội tàu, chủ tàu phải gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật trên biển cũng như tại địa phương; tàu phải có trọng tải 50 tấn trở lên, công suất máy từ 90 mã lực và phải đầy đủ trang thiết bị an toàn cho người, cho phương tiện để khi có tình huống xảy ra, Đồn Biên phòng huy động ứng cứu ngư dân gặp nạn (tìm kiếm, lai dắt, cứu hộ…) kịp thời.
Trao đổi với phóng viên, ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, khẳng định: “Trên địa bàn huyện có 4 Đồn Biên phòng. Trong đó “Đội tàu an toàn” do Đồn Rạch Gốc quản lý, hoạt động rất hiệu quả nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị quân sự, công an và biên phòng. Ngư trường của huyện Ngọc Hiển có diện tích khoảng 10.000 km2, giáp ranh ngư trường nhiều tỉnh. Do đó khi có sự cố trên biển, Đồn Rạch Gốc là đơn vị đi cứu hộ - cứu nạn nhiều nhất”.
Cũng theo ông Lý Hoàng Tiến, đối với người đi biển, nguyên tắc đầu tiên khi gặp tàu khác bị nạn hoặc thấy người chết, phải đến cứu hoặc đưa thi thể nạn nhân vào bờ, cho dù tàu đang đánh bắt cá. Đó là truyền thống tốt đẹp của ngư dân đã có từ lâu đời, nên chính quyền vận động kết nối ngư dân để lập ra “Đội tàu an toàn”. Trong quá trình hoạt động, “Đội tàu an toàn” đã tổ chức tìm kiếm, cứu hộ - cứu nạn thành công rất nhiều tàu của ngư dân tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bình Thuận…, đưa vào bờ an toàn hàng trăm ngư dân gặp nạn. Ngoài ra “Đội tàu an toàn” còn hỗ trợ rất nhiều cho lực lượng BĐBP thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảm bảo an ninh, trật tự trên biển. Qua 13 năm hoạt động, các thành viên của “Đội tàu an toàn” cùng với Đồn Rạch Gốc đã xây tặng 3 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách…