Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Đón đầu, ngăn chặn, không chạy theo dịch bệnh”

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thích nghi an toàn, đón đầu, ngăn chặn dịch Covid-19 là vấn đề đang được nhắc đến nhiều ở thời điểm này, bởi thực tiễn cho thấy, giãn cách xã hội là một giải pháp đúng để kiềm chế dịch khi bùng phát nhưng cũng không phải cách có thể kéo quá dài, bởi ảnh hưởng không ít đến đời sống kinh tế, xã hội.

Như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa chỉ đạo các địa phương cần chủ động nghiên cứu, chuẩn bị các kịch bản thích ứng an toàn với dịch bệnh khi có nhiều vaccine hơn trong 1 - 2 tháng tới, nhất là ở những nơi đã tiêm đủ vaccine.
Trong những cuộc họp trực tuyến toàn quốc với hơn 9.000 xã phường, xốc lại việc chống dịch hôm 5/9, Thủ tướng Chính phủ đều nhấn mạnh đến việc xác định cuộc chiến với dịch Covid-19 còn lâu dài, phải thích ứng và có cách làm phù hợp để sống chung với dịch, bởi nhìn từ thực tế trong nước cũng như thế giới, việc không chế tuyệt đối được dịch bệnh dường như đang là chưa thể.

Nhìn lại thời gian qua, có thể khẳng định, phương châm phòng chống dịch từ xa, từ sớm, từ cơ sở; lấy xã, phường làm pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ, cộng với việc giãn cách xã hội để xét nghiệm thần tốc, quét nhiều vòng sẽ bóc tách các F0 ra khỏi cộng đồng, từng bước thu hẹp các “vùng đỏ”, “vùng vàng”, mở rộng “vùng xanh”, tích cực điều trị… là những giải pháp phù hợp và mang đến hiệu quả tốt. Tuy nhiên, cũng từ thực tế, việc triển khai các quy định về phòng, chống dịch, nhất là về giãn cách xã hội có lúc, có nơi chưa xác định được mục tiêu cụ thể, “chặt ngoài lỏng trong”… khiến hiệu quả kiểm soát được dịch chưa như mong muốn. “Phải đón đầu, ngăn chặn dịch bệnh chứ không phải chạy theo dịch bệnh”, đó là những quan điểm đã được đưa ra và cần các giải pháp dài hơi hơn, bởi chắc chắn không thể quét sạch tuyệt đối F0. Hơn nữa, giãn cách xã hội nghiêm ngặt kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, tâm lý người dân và tình hình kinh tế - xã hội.

Hiện nhiều địa phương đã tính đến những phương án để nới lỏng dần như giãn cách theo từng phần, từng vùng, từng khu vực, để người dân ở những vùng an toàn có thể được tạo điều kiện tái hoạt động sản xuất, kinh doanh... Hoặc tính đến phương án để mở cửa với những người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine làm việc trong nhà xưởng, nhà máy, cơ quan… “Các địa phương khi phải thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội phải xác định mục tiêu cụ thể cần đạt được. Đã hy sinh phát triển kinh tế để thực hiện giãn cách thì phải kiểm soát được dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế. Dứt khoát không để tình trạng giãn cách không triệt để, kéo dài mà không đạt được mục tiêu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân, gây bức xúc xã hội”- Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ.

Có thể thấy rằng, trong bối cảnh hiện nay và những kịch bản dự báo thời gian tới về diễn biến của dịch, của tình hình kinh tế - xã hội, rất cần những giải pháp để sẵn sàng "sống chung với dịch" thay vì chỉ “chạy theo dịch”. Việc thiết lập chiến lược lâu dài, kịch bản thích ứng an toàn từ đi lại an toàn, sản xuất an toàn, dịch vụ an toàn… với mục tiêu, chiến lược, phương pháp để dần có thể thích nghi trong điều kiện có dịch là việc cần tính đến để có thể dần trở lại cuộc sống trong điều kiện bình thường mới.

Tuy nhiên, đề đạt đến điều đó, cũng phải thực hiện được những điều kiện kèm theo như chúng ta cần phải có đủ vaccine phòng ngừa, thuốc điều trị khi bị mắc... để giúp mỗi người dân trở thành chiến sĩ chống dịch. Bình thường mới trong điều kiện có dịch, quan trọng trước hết vẫn là tâm thế, thói quen sống, hành vi, ý thức phòng, chống dịch của người dân cần thay đổi theo hướng tốt để luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa, bảo vệ mình, gia đình và rộng hơn là cộng đồng xã hội.