Tập trung giám sát lĩnh vực nhạy cảm
Đó là chia sẻ của đại diện Ban Pháp chế-HĐND quận Cầu Giấy tại Hội nghị giao ban chuyên đề do Ban Pháp chế-HĐND TP Hà Nội tổ chức nhằm trao đổi kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng giám sát hoạt động của các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp.
Theo đó, đại điện Ban Pháp chế-HĐND quận Cầu Giấy cho biết, thời gian qua Ban đã xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát, khảo sát các nội dung: Giám sát công tác giải quyết tin báo, tố giác tội phạm; giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác thi hành án dân sự; giám sát công tác xét xử các loại của toà án Nhân dân quận; khảo sát công tác tuyển quân tại các phường...
Ban đã giám sát linh hoạt tuỳ theo từng nội dung, nhưng qua giám sát thực tế và báo cáo, đoàn giám sát sẽ phát hiện ra "độ vênh" giữa báo cáo và thực tế, từ đó yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước giải trình, làm rõ trong buổi làm việc với đoàn. Ngoài ra, việc sử dụng các thiết bị hỗ trợ như máy ảnh, máy ghi âm... cũng góp vai trò quan trọng trong việc cung cấp, lưu trữ các tư liệu phục vụ hoạt động giám sát.
Đặc biệt, việc theo dõi kết quả giải quyết kiến nghị sau giám sát được thực hiện sát sao, nếu thấy có dấu hiệu bị "lãng quên", chưa được giải quyết thì Ban Pháp chế có văn bản đôn đốc hoặc tiếp tục chất vấn tại kỳ họp, yêu cầu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của người đứng đầu và giải pháp khắc phục.
Bên cạnh đó, trong quá trình giám sát chuyên đề, Ban thường xuyên báo cáo tiến độ cũng như bất cập với Thường trực HĐND, lãnh đạo văn phòng HĐND quận. Từ đây Ban đã nhận được chỉ đạo kịp thời của Thường trực HĐND, gợi ý hay từ các Ban khác và lãnh đạo văn phòng để bổ sung cho buổi khảo sát, giám sát tiếp theo.
Đáng chú ý là những nội dung dung "có vấn đề" phát hiện qua giám sát, khảo sát đã được Thường trực HĐND quận chỉ đạo yêu cầu UBND quận và các đơn vị có liên quan giải trình, làm rõ ngay tại phiên họp thường kỳ hàng tháng của Thường trực HĐND quận chứ không chờ đến kỳ họp nên đã mang lại hiệu quả cao trong hoạt động giám sát.
Còn theo đại diện Ban Pháp chế-HĐND quận Tây Hồ, trong năm 2022 Ban thực hiện 3/5 cuộc giám sát chuyên đề với các đơn vị khối nội chính. Các cuộc giám sát tập trung vào những vấn đề nổi cộm, hạn chế, lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực; những lĩnh vực có nội dung đã lâu chưa được giám sát và tiềm ẩn rủi ro để đề xuất nội dung giám sát.
Việc theo dõi, kiến nghị, đôn đốc các cơ quan liên quan thực hiện các kiến nghị qua giám sát được Ban Pháp chế quận giao cho cán bộ chuyên trách đôn đốc, yêu cầu đơn vị gửi báo cáo, tài liệu kiểm chứng thực hiện các kiến nghị theo quan điểm đôn đốc để có kết quả đến cùng.
Chất lượng giám sát chưa đồng đều
Theo Trưởng Ban Pháp chế-HĐND TP Hà Nội Duy Hoàng Dương, giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền là một trong những chức năng quan trọng nhất của cơ quan cơ quan dân cử. Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã có những quy định cụ thể về hoạt động giám sát HĐND, trong đó có giám sát hoạt động của các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp.
Thời gian qua, công tác giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp đã được HĐND các cấp của TP Hà Nội quan tâm thực hiện, đảm bảo đúng quy định của pháp luật về hình thức giám sát. Tuy nhiên, kết quả hoạt động giám sát ở mỗi cấp, mỗi địa phương khác nhau về số lượng cũng như chất lượng chưa đồng đều, có nơi còn hạn chế. Việc xác định lựa chọn chủ đề, nội dung giám sát cụ thể còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát, đại diện Ban Pháp chế-HĐND quận Nam Từ Liêm bày tỏ: Khó khăn là giám sát hoạt động của cơ quan tư pháp chứa nhiều nội dung chuyên sâu về tổ chức, nhân sự của các cơ quan tư pháp và công tác nhân sự trong thực hiện mô hình chính quyền đô thị; một số cơ quan tư pháp thuộc ngành dọc cấp trên có quy định về chỉ tiêu, số liệu, mốc thời gian báo cáo chưa đồng nhất, trong khi có liên quan mật thiết trong tổ chức thực hiện nên khó khăn trong việc so sánh, đánh giá.
Đại diện Ban Pháp chế-HĐND quận Tây Hồ cho biết, hạn chế của Ban trong trong giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp là số lượng thành viên tham gia kiêm nhiệm, tham gia hoạt động của tổ đại biểu HĐND nên hạn chế trong việc nghiên cứu sâu, thường xuyên văn bản luật. Cùng đó, một số lĩnh vực cụ thể đòi hỏi tính chuyên sâu về chuyên môn, hệ thống văn bản luật, dẫn chiếu của văn bản quy phạm pháp luật nhiều nên gặp không ít khó khăn trong quá trình giám sát.
Tới dự và phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên nhấn mạnh, giám sát hoạt động của các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp là một nội dung khó và mang tính chuyên sâu do hoạt động tư pháp luôn có tính độc lập cao trong mối quan hệ với hoạt động lập pháp và hành pháp; được thực hiện theo thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn, thời hiệu hết sức chặt chẽ theo quy định của pháp luật.
Để công tác giám sát có hiệu quả, Phó Chủ tịch HĐND TP đề nghị các đơn vị bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy và các quận, huyện, thị ủy trong quá trình triển khai thực hiện; Thực hiện Quy trình tổ chức giám sát đúng quy định của pháp luật, bám sát theo Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban TVQH về Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ Đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. Đồng thời bám sát các nội dung, chỉ tiêu và giải pháp được nêu trong Đề án số 15-ĐA/TU ngày 12/5/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy.
Trong giám sát cần lựa chọn nội dung được cử tri tại địa phương quan tâm, trong đó ưu tiên lựa chọn các nội dung thuộc lĩnh vực tư pháp và hoạt động của các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp. Lưu ý lựa chọn những nội dung chuyên đề mang tính thực tiễn, gắn với các vụ việc, nội dung lĩnh vực cụ thể.