Đôn đốc triển khai đưa các gói phục hồi kinh tế vào cuộc sống

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng là số tiền không nhỏ, nên hiện có không ít lo ngại là làm sao có thể giải ngân đúng thời điểm, đúng tiến độ để phát huy hết hiệu quả.

Phục hồi kinh tế không thể chần chừ!

Có thể thấy, trong cả gói này, các hỗ trợ liên quan đến chính sách tài khoá chiếm phần lớn. Cụ thể, khoảng 291.000 tỷ đồng, tương ứng với hơn 83%. Còn lại là chính sách tiền tệ, chiếm 14% và các hỗ trợ khác 3%. Theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, dự kiến trong năm 2022 sẽ giải ngân khoảng 50% của gói 350.000 tỷ đồng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Phần lớn nhất, khoảng 1/3 của cả gói, tương đương với gần 114.000 tỷ đồng sẽ chi cho phát triển kết cấu hạ tầng. Phần tiếp theo, tương ứng với khoảng 49.400 tỷ đồng thông qua chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng. Tiếp đến là phần dành cho gói cấp bù lãi suất 2%/năm cho các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh… khoảng 40.000 tỷ đồng. Ngoài ra, trong 350.000 tỷ đồng còn có các khoản khác như: Cấp vốn cho quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm và khoảng 14.000 tỷ đồng cho hệ thống y tế…

Cho đến thời điểm này chương trình mới được triển khai trong khoảng hơn 1 tháng. Trong đó, một số chính sách được đưa vào thực tế, các đối tượng thụ hưởng đã ngay lập tức nhận được hỗ trợ. Bộ Tài chính đã triển khai giảm thuế VAT và hướng dẫn về các chính sách liên quan đến điều chỉnh thuế, phí và lệ phí để có thể triển khai được ngay trong những tháng đầu năm 2022. Việc cấp bù lãi suất hiện chưa được đưa vào thực tế, mà đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến. Bộ KH&ĐT cũng đã có ngay văn bản hướng dẫn các bộ, địa phương rà soát các danh mục của dự án, đề xuất mức vốn cụ thể để giao cho dự toán năm 2022 bố trí thực hiện giải ngân bổ sung.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, việc giải ngân vốn đầu tư công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không chỉ xây dựng danh mục mà quan trọng là các công tác chuẩn bị dự án và sẵn sàng điều kiện để có thể triển khai.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết với nhóm đầu tư công, bên cạnh 3 nhóm giải pháp đặc thù được Quốc hội cho phép thực hiện thì vẫn phải thực hiện theo các quy định hiện hành về đầu tư công. Do vậy nó mất nhiều thời gian hơn so với nhóm tín dụng cũng như nhóm chính sách thuế, phí.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, để khắc phục tình trạng này, Quốc hội đã cho phép thực hiện một cơ chế mang tính linh hoạt kết hợp hài hoà giữa chương trình phục hồi với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó với khoản ngân sách được bổ sung từ chương trình phục hồi 113.000 tỷ đồng cho đầu tư công sẽ triển khai tăng thêm dự toán ngân sách trung ương năm 2022 - 2023 chi cho đầu tư công. Trước mắt sẽ chi ngay cho các dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã đủ điều kiện thực hiện và giải ngân.

Chính phủ, các bộ ngành cần bám sát từng dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. "Có vốn nhưng không giải ngân được, bị "ngâm" quá lâu sẽ không đáp ứng được mục tiêu cấp bách của chương trình phục hồi và phát triển trong 2 năm 2022 - 2023"- TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Không thể chần chừ được nữa, bởi những diễn biến trong thực tại của nền kinh tế, những khó khăn, rủi ro mà nền kinh tế đang đối mặt không cho phép bất kỳ ai chậm chân.

Liên quan đến gói tiền tệ, cộng đồng DN đang sốt ruột mong đợi gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng (ngân sách cấp bù 2%). Hiện nay, vấn đề mà DN tỏ ra lo lắng không đủ điều kiện được cấp bù lãi suất bởi NHNN kiên quyết không hạ chuẩn tín dụng.

"Khi chúng ta bơm số lượng tiền ra, bản thân DN được nhận dòng vốn rẻ, giúp chủ động trong việc nhập các nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất vận hành. Khi đưa ra các gói tín dụng, các ngân hàng cũng sẽ mạnh dạn đưa ra những điều kiện cho vay ưu đãi với lãi suất hợp lý hơn" - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh nhận định.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, NHNN đã chủ động xây dựng các quy định pháp lý như nghị định, thông tư, trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ để hướng dẫn triển khai ngay gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng đảm bảo hiệu quả, đúng đối tượng, đúng mục tiêu.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết năm 2022, NHNN sẽ có các giải pháp để tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh chóng khôi phục và phát triển; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

 

Gói hỗ trợ lãi suất, DN chứng minh khả năng trả nợ chủ yếu qua phương án kinh doanh, nhưng ngân hàng có chấp nhận phương án này hay không lại là chuyện khác. Vì vậy, bên cạnh các điều kiện vay vốn, gốc rễ giải ngân vẫn nằm ở ngân hàng thương mại, ở sự tin tưởng của ngân hàng với DN. NHNN cũng cần có thêm giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện để ngân hàng thương mại mạnh dạn triển khai gói hỗ trợ lãi suất này.

Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam

Gắn trách nhiệm người đứng đầu

Theo chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP rất chi tiết với các khoản mục cụ thể. Nghị quyết đã giao các nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương có liên quan gắn với tiến độ, thời gian cũng như những hình thức triển khai thực hiện.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh kiến nghị, việc giải ngân vốn đầu tư trong gói hỗ trợ cần gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Để triển khai gói hỗ trợ, đưa nguồn lực vào hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội đã cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù.

Theo đó, Thủ tướng và người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định chỉ định thầu với các gói tư vấn, gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, các dự án hạ tầng quan trọng về giao thông, y tế. Thủ tướng quyết định cho UBND các địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý làm các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công.

“Chính phủ, các bộ ngành cần vận dụng có hiệu quả các cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã cho phép để triển khai hiệu quả dự án đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn để tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế” -  PGS.TS Đinh Trọng Thịnh bày tỏ.

 

Bộ KH&ĐT đã có ý kiến đối với Chính phủ về việc chỉ đạo trong thời gian tới theo hướng cho các bộ, ngành, địa phương nào xong trước thì tổng hợp, trình Thủ tướng dự án đầu tư công; bộ, ngành nào hoàn thiện sau thì trình sau. Trên cơ sở đó, sau khi có ý kiến của Chính phủ, có nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Bộ KH&ĐT có dự kiến tiến độ triển khai trong thời gian sắp tới. Về cơ bản, đến tháng 4 và tháng 5 có thể triển khai được gói đầu tư.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương

Với mục tiêu giải ngân được gói hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả trong 2 năm, nhiều cơ chế chính sách linh hoạt và đặc biệt đã được Quốc hội và chính phủ ban hành. Việc triển khai sẽ là nhiệm vụ của các bộ ngành và địa phương để làm thế nào các dự án và nhiệm vụ sớm được triển khai và mang lại những tác động lan tỏa tích cực cho nền kinh tế.

Tuy vậy, song song với xu hướng phục hồi kinh tế, áp lực lạm phát cũng có xu hướng gia tăng, đặc biệt khi giá cả, lạm phát toàn cầu và chi phí đầu vào dự kiến còn ở mức cao, tình trạng đứt gãy nguồn cung vẫn còn xảy ra ở một số lĩnh vực, địa bàn. Điều này gây áp lực trong việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2022, vừa phải cân bằng giữa việc hỗ trợ phục hồi kinh tế; đồng thời, chủ động đối phó với áp lực lạm phát, áp lực nợ xấu gia tăng.

Theo TS Cấn Văn Lực, để chương trình triển khai thành công, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách; nhất là giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, từ đó, trung hòa cung tiền, kiểm soát mặt bằng lãi suất, kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.