Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đón dòng chảy tích cực từ dòng vốn FII

Hoa Hữu Lân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) thông qua các hoạt động đầu tư góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) năm 2017 đạt 6,2 tỷ USD (tăng 45,1% so với 2016). Những kết quả tích cực này được dự báo sẽ tiếp tục trong năm nay.

Vốn FII liên tục gia tăng
Theo thống kê, từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018, dòng vốn FII gia nhập thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam khá mạnh thông qua các quỹ đầu tư ETF và quỹ mở. Chính vì vậy, mức độ tham gia của NĐTNN trên TTCK đã tăng từ mức 10-11% trong các năm trước lên khoảng 15% vào nửa cuối năm 2017. Và trong quý I/2018 khi TTCK trong nước liên tiếp phá kỷ lục, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong một thập kỷ qua khi VN-Index vượt qua mức 1.200 điểm, khối ngoại mua vào hơn 1,6 tỷ cổ phiếu (khoảng 76.103 tỷ đồng), trong khi bán ra hơn 1,35 tỷ cổ phiếu (khoảng 66.103 tỷ đồng). Tổng khối lượng mua ròng đạt 268,8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 10.424 tỷ đồng. So với thời điểm cách đây hơn 10 năm, sự gia tăng của dòng vốn FII trên TTCK gần như được đáp ứng đầy đủ với sự tăng trưởng về quy mô thị trường mở rộng thêm chỗ cho các NĐTNN mới.
 Nhà đầu tư tham khảo thị trường tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Ảnh:  Trần Việt
Cùng với sự bùng nổ về mức tăng điểm, TTCK Việt Nam những tháng đầu năm cũng đã chứng kiến những thương vụ đầu tư nổi bật như NĐTNN đến từ Singapore Jardine Cycle & Carriage (JC&C) trúng thầu ngoạn mục 3,33% cổ phần tại Vinamilk với giá 186.000 đồng/cổ phần (cao hơn giá khởi điểm 24%). Sau đó, JC&C liên tiếp thỏa thuận nâng sở hữu cổ phần tại Vinamilk lên trên 1 tỷ USD…

TTCK đã khẳng định tốt vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho Chính phủ, cho DN và là kênh đầu tư hấp dẫn, đóng góp quan trọng vào tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn của DNNN và thu hút vốn FII vào Việt Nam. 
Áp lực nâng hạng của TTCK Việt Nam

Trong năm 2017, dòng vốn FII đóng vai trò dẫn dắt và định hướng TTCK, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm. Khác với năm 2016, khối ngoại không còn coi Việt Nam là thị trường biên, mà đã nâng hạng thành thị trường chiến lược nên liên tục tăng tỷ trọng đầu tư trong danh mục của họ. Xu hướng trong những tháng đầu năm 2018 rất giống với giai đoạn 2006 - 2007, nhưng tốt hơn rất nhiều do TTCK đã đa dạng hơn và quy mô cũng lớn hơn rất nhiều so với những năm trước. Điều này khẳng định, về mục tiêu nâng hạng cho TTCK sẽ tiếp tục là một điểm hỗ trợ quan trọng trong việc thu hút dòng vốn FII trong năm nay.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Maybank KimEng, các NĐTNN đã “đi trước một bước” trong việc đón đầu khả năng thăng hạng dành cho TTCK Việt Nam trong năm 2017, và sẽ tiếp diễn trong trong năm 2018. Trên thực tế, TTCK Việt Nam đang hứa hẹn sẽ thực hiện thành công các bước chạy đà quan trọng, nhằm tạo tiền đề cho việc nâng hạng thời gian tới. Đây là những điểm cộng quan trọng cho triển vọng của thị trường trong năm 2018.

Ngoài ra, triển vọng dòng vốn FII trong năm 2018 được nhận định sẽ được hỗ trợ tích cực từ các yếu tố vĩ mô như tỷ giá, lạm phát của Việt Nam ổn định, tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể vượt mức 6,8% và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Tiếp tục “mồi” FII khác

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, sự tham gia của các NĐTNN mới với quy mô lớn được thực hiện trong thời gian ngắn khiến nỗi lo thiếu hụt một khối lượng tiền đối ứng để hấp thu hết khối lượng cổ phần trong các đợt bán vốn Nhà nước tại các DN Nhà nước (DNNN) trong thời gian tới đã được giảm nhẹ. Ngược lại, đẩy mạnh cổ phần hóa các DNNN có quy mô lớn hoạt động hiệu quả đang là điều thu hút NĐTNN tham gia.

Thực tế của TTCK hiện nay cho thấy, cơ hội vẫn còn rộng mở cho các NĐTNN đến sau. Đơn cử là quy định mới của Chính phủ đã thiết lập một lộ trình nhằm đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, thực hiện thoái vốn tại 150 công ty… đây phần lớn là những hàng hóa chất lượng, qua đó giúp kích thích mạnh hơn dòng vốn FII.