Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đón du khách quốc tế trở lại: Không dễ khi doanh nghiệp kiệt sức

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm hỗ trợ ngành du lịch phục hồi, từ tháng 11, Chính phủ đã cho phép các địa phương gồm Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh được đón khách quốc tế. Tuy nhiên, qua tìm hiểu có không ít doanh nghiệp chưa thể triển khai đón khách quốc tế, do nguồn lực kinh tế kiệt quệ cũng như diễn biến Covid-19 trên thế giới vẫn rất phức tạp.

Đón khách quốc tế không phải cách ly
Bộ VHTT&DL vừa ban hành văn bản số 4122/HD-BVHTTDL, hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam theo 3 giai đoạn, bắt đầu từ tháng 11/2021.
Giai đoạn 1 (từ tháng 11/2021) thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế tại các khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn tại Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh.
Giai đoạn 2 (từ tháng 1/2022) sẽ mở rộng phạm vi đón du khách quốc tế, theo hướng khách có thể tham gia các chương trình du lịch kết hợp điểm đến tại 5 địa phương ở giai đoạn 1, sau khi đã hoàn thành chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong thời gian 7 ngày.
Giai đoạn 3, mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế, thời điểm bắt đầu giai đoạn 3 sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế và trên cơ sở đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong 2 giai đoạn đầu.
Đón du khách quốc tế trở lại: Không dễ khi doanh nghiệp kiệt sức - Ảnh 1
Du khách quốc tế tham quan Hội An (tỉnh Quảng Nam).

Hướng dẫn cũng nêu rõ hành trình của du khách tối thiểu là 7 ngày, tối đa là 90 ngày và phải có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận. Thời gian tiêm mũi 2 đủ ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh, hoặc có chứng nhận đã khỏi Covid-19 xuất viện không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh.

Bên cạnh đó, du khách có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay. Khách phải có bảo hiểm du lịch, nội dung chi trả cho điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu là 50.000 USD. Mua tour trọn gói của doanh nghiệp lữ hành. Sau 7 ngày ở Việt Nam, khách đăng ký chương trình du lịch trên 7 ngày sẽ được xét nghiệm RT-PCR. Nếu âm tính, khách có thể đến các địa phương khác được phép đón khách du lịch quốc tế theo chương trình du lịch trọn gói.

Doanh nghiệp chưa hào hứng

Thực tế cho thấy, mặc dù ngành du lịch và các địa phương đang cố gắng mở cửa đón các du khách quốc tế, nhưng việc triển khai không hề dễ khi doanh nghiệp du lịch đang “kiệt sức”.

Nói về những khó khăn trong quá trình đón khách quốc tế, Giám đốc Công ty du lịch Sun Smile Travel (doanh nghiệp chuyên tổ chức tour cho khách Nga, châu Âu) Dương Thanh Hằng cho biết: Theo hướng dẫn của Bộ VHTT&DL, du khách phải hoàn thành chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong thời gian 7 ngày, quy định này khiến việc đón khách từ thị trường châu Âu rất khó thực hiện, bởi khách chỉ được đi theo tour trọn gói, không tiếp xúc với dân bản địa, không đủ thời gian tìm hiểu văn hóa, lịch sử, tham quan điểm đến… ảnh hưởng đến quyền lợi du khách.

Riêng với thị trường Nga hiện mới có khoảng 34% dân số tiêm đầy đủ vaccine nên chưa đáp ứng được yêu cầu của Việt Nam, vì vậy thị trường Nga vẫn “đóng băng” chưa thể khai thác.

Đồng tình với phản ánh này, Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Trương Quốc Hùng cho biết, hàng không chưa mở lại đường bay quốc tế nên doanh nghiệp du lịch phải thuê nguyên chuyến bay, nếu chỉ đạt 50% công suất vận chuyển thì doanh nghiệp lỗ nặng, vì vậy nhiều đơn vị chưa hào hứng tổ chức tour quốc tế.

“Đặc biệt, ngay trong  tuần đầu tháng 11, châu Âu ghi nhận gần 1,8 triệu ca nhiễm mới, tăng thêm 6% so với tuần trước đó, số ca tử vong tăng thêm 12%. Riêng Cộng hòa liên bang Đức vừa công bố thêm 33.949 ca nhiễm/ngày nên khó có thể gom khách, thành lập đoàn du lịch”, ông Trương Quốc Hùng thông tin.

Thực tế cho thấy không chỉ doanh nghiệp Hà Nội chưa hào hứng tổ chức tour đón khách quốc tế do kiệt quệ kinh tế mà Quảng Nam, Đà Nẵng là 2 trong số 5 tỉnh thành được thí điểm đón khách quốc tế cũng trong tình trạng tương tự, nên chỉ dừng lại ở mức xây dựng kịch bản đón khách.

 Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu (TP Hà Nội).

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam Lê Ngọc Tường cho biết, sau khi Bộ VH-TT&DL hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế, Trung tâm Lữ hành Hội An và 5 đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh đã xây dựng tour phục vụ khách quốc tế. Thế nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức xây dựng kịch bản vì tình hình dịch bệnh trên toàn thế giới đang phức tạp, nên chưa thể đón những đoàn khách quốc tế đến Quảng Nam trong tháng 11/2021. Bên cạnh đó hiện 70% nhân lực của hầu hết khách sạn, lữ hành đều đã nghỉ việc, chuyển nghề khác để kiếm sống nên doanh nghiệp khó có thể đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Đề cập đến tình hình mở cửa của doanh nghiệp du lịch tại địa phương, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh thông tin, dù đứng trước cơ hội đón khách quốc tế nhưng hiện có chưa tới 20% doanh nghiệp du lịch Quảng Nam mở cửa hoạt động trở lại. Nguyên nhân là do doanh nghiệp lo lắng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên điệp khúc mở - đóng hoạt động du lịch lại diễn ra.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Du lịch Việt Nam (Đà Nẵng) Trần Tấn Điền nêu rõ, dự kiến TP Đà Nẵng sẽ thực hiện thí điểm đón châu Âu và Hàn Quốc, nhưng đối tác Hàn Quốc của đơn vị đang tạm dừng hoạt động nên không thể đưa khách đến Việt Nam. Ngoài ra muốn hoạt động trở lại, doanh nghiệp phải bỏ ra một lượng lớn kinh phí trả lương nhân sự điều hành, hướng dẫn tour. “Doanh nghiệp chưa thể khắc phục khó khăn này nên chưa tổ chức hoạt động trở lại”, ông Trần Tấn Điền nói.

Để sớm đón được những đoàn khách quốc tế đầu tiên, Bộ VH-TT-DL đề nghị Bộ Công an tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, các doanh nghiệp dịch vụ lữ hành quốc tế triển khai thủ tục cấp thị thực, xuất nhập cảnh. Bộ Ngoại giao cập nhật, công bố các mẫu chứng nhận tiêm chủng hoặc hộ chiếu vaccine các quốc gia, vùng lãnh thổ được Việt Nam công nhận.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt