Đơn giản hóa thủ tục, gấp rút hạ ngầm cáp điện lực, viễn thông

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Hà Nội đang tiến hành ngầm hóa hệ thống cáp viễn thông và điện lực trung, hạ áp theo hình thức xã hội hóa với sự tham gia của 5 DN là EVN, VNPT, Viettel, MobiFone và FPT.

Với nguyên tắc ưu tiên dùng chung, chia sẻ hạ tầng kết hợp với việc ngầm hóa, chỉnh trang đô thị, diện mạo đô thị đang dần đẹp lên trong mắt người dân và du khách.

Doanh nghiệp tự bỏ vốn

Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, bà Phan Lan Tú - Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết, năm 2016, TP chủ trương thực hiện xã hội hóa đối với 17 tuyến công trình trên địa bàn TP, chủ yếu tập trung ở 4 quận nội thành là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Triển khai xây dựng hệ thống cống bể kỹ thuật để ngầm hóa hệ thống đường dây cáp thông tin và truyền thông; song song với đó, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) thực hiện hạ ngầm đường dây cáp điện lực đảm bảo mỹ quan đô thị.
 Thanh thải dây cáp viễn thông để phục vụ hạ ngầm trên địa bàn quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng

Được biết, có 5 DN là EVN, VNPT, Viettel, MobiFone và FPT cùng tham gia vào Ban chỉ đạo và Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo triển khai công tác hạ ngầm hệ thống đường dây viễn thông và đường dây điện lực trung, hạ áp tại các tuyến phố trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020. “Các DN tự bỏ vốn để triển khai hệ thống cống bể kỹ thuật để ngầm hóa hệ thống đường dây cáp thông tin theo danh mục tuyến phố đề xuất hạ ngầm” - bà Tú cho hay. Tham gia trong Ban chỉ đạo, EVN Hà Nội có trách nhiệm bố trí nguồn vốn để triển khai đồng bộ ngầm hóa hệ thống điện lực trung, hạ áp với ngầm hóa hệ thống đường dây viễn thông đảm bảo mỹ quan đô thị. VNPT, MobiFone, Viettel, FPT phối hợp với Sở TT&TT, Sở Tài chính xây dựng đơn giá cho thuê công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật phù hợp với giá thị trường, đảm bảo khả năng thu hồi vốn cho các DN.

Về vấn đề này, đại diện VNPT Hà Nội cho biết, kế hoạch hạ ngầm và chỉnh trang từ nay đến năm 2018 sẽ hạ ngầm xong tại 4 quận trung tâm là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng với tổng số tuyến các địa phương đề xuất yêu cầu ngầm hóa là 88 tuyến phố. Riêng năm 2016, các DN đăng ký ngầm hóa thí điểm 17 tuyến phố, trong đó VNPT đăng ký ngầm hóa 5 tuyến phố (Trần Huy Liệu, Núi Trúc, Ngọc Khánh, Đào Tấn và Linh Lang). “Hiện, VNPT đã giao nhiệm vụ cho Ban quản lý dự án Công trình thông tin 2 triển khai, đã khảo sát hiện trường, xây dựng thiết kế kỹ thuật cơ bản, dự kiến sẽ mời tổ công tác ngầm hóa của TP đi khảo sát thực địa và quyết định phương án kỹ thuật chính thức cho 5 tuyến phố” - đại diện VNPT Hà Nội chia sẻ. Viettel, MobiFone, FPT và EVN cũng đang tích cực triển khai trên các tuyến phố đã đăng ký với TP.

Tạo điều kiện đảm bảo tiến độ

Tổng mức đầu tư dự kiến để triển khai đầu tư, hạ ngầm lưới điện trung, hạ áp đồng bộ với công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung đối với cáp viễn thông là trên 3.000 tỷ đồng.

Theo phản ánh của các DN, việc cấp phép xây dựng đối với công trình xây dựng trên các tuyến phố theo quy định gồm nhiều loại giấy phép do các cơ quan khác nhau cấp đã làm chậm tiến độ triển khai hạ ngầm, gây khó khăn cho DN trong quá trình triển khai.

Trước tình hình này, Ban chỉ đạo triển khai công tác hạ ngầm do Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng làm Trưởng ban đã yêu cầu các đơn vị nhanh chóng đơn giản hóa thủ tục hành chính. Cụ thể, sau khi tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Xây dựng mời các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện cấp phép xây dựng một lần cho nhà đầu tư thay cho các giấy phép khác.

Trong quá trình triển khai ngầm hóa đồng bộ hệ thống cáp viễn thông và cáp điện lực, phía EVN Hà Nội cho biết, đơn vị đang gặp khó khăn do nguồn vốn để thực hiện ngầm hóa hệ thống điện lực trung, hạ áp rất lớn. Về vấn đề này, Ban chỉ đạo đã yêu cầu Sở Xây dựng, Sở TT&TT và các DN chủ động tiếp tục xây dựng kế hoạch dài hạn 2017 - 2020 để EVN Hà Nội cân đối nguồn vốn.

Một vướng mắc khác là hiện nay trên các tuyến đường khu vực nội thành đang tồn tại nhiều công trình ngầm như cống bể kỹ thuật (chủ yếu của VNPT), công trình cấp thoát nước, vỉa hè nhỏ không đủ để thiết kế cống bể kỹ thuật… Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc đã trực tiếp tham gia hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời tháo gỡ để tạo điều kiện cho các DN triển khai theo đúng tiến độ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần