Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đơn giản hóa trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch

Bạch Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác định vai trò, tầm quan trọng của công tác quản lý Nhà nước về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực và nuôi con nuôi, UBND TP Hà Nội, Sở Tư pháp Hà Nội đã quan tâm, chỉ đạo, thực hiện và đạt được những kết quả nhất định trong năm 2021.

Người dân làm thủ tục hộ tịch, tư pháp tại UBND huyện Thanh Trì. Ảnh: Phạm Hùng  
Người dân làm thủ tục hộ tịch, tư pháp tại UBND huyện Thanh Trì. Ảnh: Phạm Hùng  

Tăng áp dụng CNTT, đơn giản hóa thủ tục

Về công tác hộ tịch, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 48/KH-UBND ngày 26/2/2021 triển khai thực hiện Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến trên địa bàn TP.

Theo báo cáo công tác tư pháp năm 2021 của UBND TP, các quận, huyện tiếp tục duy trì thực hiện tốt phần mềm đăng ký khai sinh điện tử có kết nối với hệ thống cấp số định danh cá nhân cho trẻ em ngay khi đăng ký khai sinh. Đa số yêu cầu đăng ký hộ tịch của người dân được giải quyết đúng hạn; trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch được đơn giản hóa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch đáp ứng yêu cầu. Thực hiện Đề án liên thông thủ tục hành chính đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hưởng chi phí mai táng/hưởng mai táng phí, kết quả đã giải quyết hơn 35.000 trường hợp. UBND TP đã chỉ đạo các ngành, các cấp tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Y tế.

Năm 2021, công tác quốc tịch được UBND TP tiếp tục chỉ đạo thực hiện Kế hoạch số 82/KH-UBND triển khai Nghị định số 16/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam. Tiếp nhận, giải quyết 09 hồ sơ quốc tịch. Bênh cạnh đó, Sở Tư pháp phối hợp với CATP, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, cập nhật thông tin về kết quả giải quyết việc đăng ký khai sinh, xác định quốc tịch của trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài, bảo đảm quyền được đăng ký khai sinh, đăng ký cư trú, quyền cơ bản về học tập, khám chữa bệnh đối với trẻ em.

Việc chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký, chứng thực chữ ký người dịch, lập danh sách, phê duyệt, niêm yết danh sách cộng tác viên dịch thuật được thực hiện theo đúng quy định. UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND và văn bản số 1184/UBND-NC để chỉ đạo triển khai việc ủy quyền cho công chức tư pháp – hộ tịch cấp phường ký chứng thực đối với bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong các văn bản, giấy tờ;

Đồng thời, trình HĐND TP ban hành Nghị quyết về chi hỗ trợ công chức tư pháp – hộ tịch cấp phường được ủy quyền; Ban hành Kế hoạch số 03/KH-UBND về triển khai dịch vụ công chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên cổng dịch vụ công quốc gia. Số liệu mới nhất cho thấy, đã có 146/175 phường (đạt tỷ lệ 83,4%) thực hiện ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch.

Tiếp tục thêm những thủ tục trực tuyến, liên thông

TP tiếp tục vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống Một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực chứng thực. UBND các cấp đã trang bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ công tác; công chức được sử dụng phần mềm một cửa, sổ chứng thực điện tử nên công việc nhanh và chính xác.

Việc thu, nộp, quản lý, sử dụng phí chứng thực được thực hiện theo đúng Thông tư của Bộ Tài chính. Việc quản lý cộng tác viên dịch thuật được đảm bảo đúng quy định, đã phê duyệt 18 cộng tác viên dịch thuật tại 6 phòng Tư pháp. Về công tác nuôi con nuôi, UBND TP đã chỉ đạo tổng kết việc thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế; Sở Tư pháp xây dựng Đề án liên thông TTHC đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước - cấp phiếu lý lịch tư pháp. Được sự chỉ đạo của UBND TP, Sở Tư pháp phối hợp với Sở LĐTB&XH, hướng dẫn phòng tư pháp các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con nuôi theo quy định; ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Trong năm 2021, số trẻ em được giải quyết làm con nuôi nước ngoài là 8 trường hợp.

Phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, Hà Nội tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành gắn với việc thực hiện Luật Căn cước công dân, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16-2-2015 của Chính phủ; triển khai hệ thống quản lý đăng ký hộ tịch do Bộ Tư pháp chỉ đạo. Tiếp tục triển khai cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến trên địa bàn TP theo hướng dẫn và lộ trình của Bộ Tư pháp và Trung ương. Triển khai Đề án liên thông TTHC Đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước - cấp Phiếu lý lịch tư pháp ngay khi được UBND TP ban hành. Chú trọng việc tổ chức tập huấn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi để đảm bảo giải quyết các TTHC cho công dân đúng quy định; Tiếp tục thanh tra, kiểm tra công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, chứng thực trên địa bàn TP.