Đơn giản thủ tục hành chính quản lý tài nguyên nước

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong cấp phép lĩnh vực quản lý tài nguyên nước là nội dung cuộc họp ngày 7/9, tại Hà Nội về việc thanh tra, kiểm tra, quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước và phòng chống tác hại do nước gây ra.

Cuộc họp do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Quản lý Tài nguyên Nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước, Văn phòng Ủy ban sông Mekong tổ chức.

Theo nhận xét của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, những năm qua, tình trạng khai thác sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, thăm dò, khai thác nước dưới đất không phép vẫn còn diễn ra phổ biến; nguồn tài nguyên nước hiện nay rất quan trọng cần phải được bảo vệ và có những quy hoach cụ thể, vì liên quan chủ yếu đến các vấn đề về kinh tế xã hội… nên cần phải sửa đổi một số luật cho phù hợp.

Theo đó, ngành tài nguyên và môi trường phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương theo dõi rà soát, quy hoạch và sử dụng đối với tài nguyên nước cho hợp lý, để đảm bảo nguồn nước vào mùa kiệt; đặc biệt tập trung vào công tác quan trắc lưu lượng nước để có kế hoạch phòng chống kịp thời.

Từ nay đến cuối năm Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ tập trung xây dựng các quy trình vận hành liên hồ chứa, nhất là quy trình vận hành liên hồ chứa mùa cạn trên sông Hồng, sông Ba, sông Vu Gia-Thu Bồn, sông Sê San và sông Srepok; tiếp tục hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước; đề án theo dõi giám sát khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn; dự án quan trắc nguồn nước xuyên biên giới.

Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước đã thực hiện được 10 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ về công tác cấp phép trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước rất được chú trọng.

Cục đã cấp 5 loại giấy phép trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước và việc cấp phép này đã được phân cấp mạnh mẽ cho địa phương.

Thông qua việc thực hiện Đề án 30, hồ sơ, thủ tục cấp phép đã đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiên thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Hiện Cục đã trình Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp được 380 giấy phép (trong đó có 84 giấy phép thăm dò nước dưới đất; 96 giấy phép khai thác nước dưới đất; 94 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; 16 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; 100 giấy phép hành nghề khoan dưới đất).

Ngoài ra các địa phương đã cấp trên 5.500 giấy phép các loại trong lĩnh vực tài nguyên nước./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần