Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đơn mua hàng online của siêu thị tăng đột biến

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội sau 3 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của UBND TP Hà Nội để phòng chống dịch Covid-19, người dân đã hạn chế ra đường. Vì vậy, sức mua hàng hóa tại hệ thống siêu thị qua kênh online tăng mạnh.

Đơn hàng online tăng đột biến
Thông tin từ các siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Big C Thăng Long, Hapro, BRG, Vinmart, Bách Hóa Xanh, Co.opmart, MM Mega Market Việt Nam… cho thấy, đơn mua hàng online của người dân trong những ngày qua đã tăng đột biến.
Giám đốc Vận hành VinMart miền Bắc Khúc Tiến Hà cho biết, sau 3 ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, lượng khách đặt mua hàng tiêu dùng thiết yếu online, dịch vụ đi chợ hộ hay qua các ứng dụng điện tử... tại hệ thống siêu thị VinMart đã tăng 2,5 lần so với những ngày trước đó. Tương tự, tại hệ thống siêu thị Aeon Hà Nội trong 3 ngày qua lượng đơn hàng mua qua các kênh online tăng 200 - 300%.
 Lượng đặt hàng online của hệ thống siêu thị BRG Mart, Hapro tại Hà Nội tăng gấp 5 lần
Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG Nguyễn Thái Dũng cho biết, các đơn đặt hàng online của hệ thống siêu thị BRG Mart, Hapro tại Hà Nội tăng gấp 5 lần so với trước khi TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội.
Tương tự, hệ thống AEON Việt Nam cũng ghi nhận đơn hàng tăng gấp 3 - 5 lần so với trước. MM Mega Market thậm chí có đơn hàng online tăng 15 lần, Lottemart cũng tăng 500%... Siêu thị Co.opmart  ghi nhận hơn 800 đơn hàng online/ngày.
Theo thống kê của Bách Hóa Xanh, các tháng đầu năm, lượng đơn hàng online của hệ thống này tăng gấp gần 5 lần so với cùng kỳ, số lượng giao dịch trung bình khoảng 7.000 đơn mỗi ngày nay đã vọt lên 11.000 - 12.000 đơn hàng/ngày.
Gỡ khó trong khâu vận chuyển
Thực tế cho thấy việc các đơn hàng mua sắm online tăng mạnh nên đã xảy ra hiện tượng siêu thị chậm giao hàng. Nhiều người tiêu dùng phản ánh, sau khi đặt mua rau củ, thực phẩm tươi sống qua ứng dụng mua hàng trực tuyến, mặc dù đã được siêu thị nhanh chóng xác nhận, song phía siêu thị thông báo thời gian giao hàng có thể bị ảnh hưởng dịch vụ giao hàng quả tải.
Lý giải nguyên nhân khiến dịch vụ giao hàng ách tắc, đại diện các siêu thị có chung ý kiến, DN bán lẻ đang gặp khó trong khâu vận chuyển hàng cho khách sau khi TP Hà Nội "siết" hoạt động của các nhân viên giao hàng và cấm các shipper công nghệ hoạt động trong thời gian giãn cách.
Để được hoạt động, các đơn vị như siêu thị, bưu chính... phải gửi danh sách nhân viên giao nhận và chịu trách nhiệm quản lý công tác phòng dịch về Sở Công Thương Hà Nội xác nhận và chuyển cho Sở GTVT Hà Nội cấp “mã xác nhận” cho phép shipper vận chuyển hàng hóa.
"Từ cuối tuần trước, BRG Mart đã gửi danh sách đăng ký đội ngũ nhân viên vận chuyển hàng về Sở Công Thương Hà Nội và Sở GTVT nhưng tới nay vẫn chưa nhận được phản hồi" - ông Nguyễn Thái Dũng chia sẻ.
 Nhân viên siêu thị BigC giao hàng cho khách đặt hàng qua số hotline. Ảnh: H.H
Về vấn đề này, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, đơn vị đang tổng hợp danh sách nhân viên giao hàng bằng xe mô tô 2 bánh cho các siêu thị trên địa bàn Thành phố.
Ngay trong ngày 26/7, Sở Công Thương Hà Nội đã lập danh sách 700 xe mô tô 2 bánh vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp được cấp thẻ vận chuyển gồm: Công ty CP thực phẩm Hương Sơn 13 shipper, Công ty CP sản xuất và thương mại An Việt 17 shipper ; Công ty CP Tiên Viên 4 shipper; Công ty TNHH Thương mại Quốc tế và Thương mại dịch vụ siêu thị Big C Thăng Long 49 shipper; Công ty TNHH 2-9 Hà Tây 8 shipper; Công ty TNHH bán lẻ Fuji Mart Việt Nam 39 shipper; Công ty TNHH bán lẻ BRG 182 shipper; Hệ thống siêu thị Mường Thanh tại Hà Nội 75 shipper; Công TNHH Thương mại Sài Gòn Co.op Hà Nội 21 shipper; Công ty CP Quốc tế  Homefarm 174 shipper; HTX DVTH Đông Cao 1 shipper; Công ty CP Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam 19 shipper; Chi nhánh Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam tại Hà Nội 33 shipper; Công ty AEON Việt Nam 34 shipper; Công ty CP kinh doanh và chế biến thực phẩm Hà Nội 2 shipper.