Đón “sóng” vàng trong lo ngại rủi ro lạm phát

An An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những phiên gần đây, giá vàng trong nước liên tục có diễn biến tăng - giảm mạnh, thậm chí nhiều phiên “vọt tăng” lên trên mốc 62 triệu đồng/lượng. Nhưng nếu nương theo diễn biến của giá vàng thế giới thì giá vàng trong nước được dự báo sẽ còn tăng.

Áp lực lạm phát ảnh hưởng lên giá vàng
Trong phiên giao dịch sáng 25/11, giá vàng quốc tế “lình xình” quanh mốc 1.790 USD/ounce. Tuy nhiên, trong tuần trước, giá kim loại quý này đã liên tục lập “đỉnh” lên tới gần 1.870 USD/ounce, khiến dự báo cho rằng giá vàng có thể chạm ngưỡng 1.900 USD/ounce.
Tuy nhiên, do áp lực tăng giá mạnh từ chỉ số USD - hiện chỉ số này đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2020, nên giá vàng quốc tế lại lao dốc, tuột khỏi ngưỡng quan trọng 1.800 USD/ounce. Như vậy, trong 1 tuần, giá vàng thế giới đã giảm khoảng 80 USD/ounce, tương đương khoảng 4%.
Khách hàng mua vàng tại Cửa hàng Bảo Tín Mạnh Hải. Ảnh: Thanh Hải
Theo nhận định của các chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI, số liệu vĩ mô tháng 10 của Mỹ tiếp tục cho thấy xu hướng phục hồi kinh tế của quốc gia này, trong khi số ca lây nhiễm ở châu Âu tăng mạnh, một số nước như Áo, Thụy Điển… siết chặt các biện pháp chống dịch và khiến đồng Euro giảm giá mạnh. Những diễn biến này đã đẩy chỉ số USD tăng cao. Vì thế, nhiều phân tích đã nhận định, USD mạnh lên khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn so với việc nắm giữ các tài sản khác, cùng với đó là thị trường chứng khoán tăng điểm, lợi tức trái phiếu tăng… nên nhiều nhà đầu tư bán tháo vàng để chuyển hướng đầu tư.

Cũng như diễn biến của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng có những “đợt sóng” tăng - giảm mạnh. Nếu như vào giữa tháng 11, giá vàng SJC dâng cao lên giao dịch vượt mốc 62 triệu đồng/lượng, gần chạm mức đỉnh cao nhất từ trước đến nay là 62,4 triệu đồng/lượng vào tháng 8/2020. Mặc dù sau 1 tuần, hiện giá vàng SJC đã giảm xuống quanh mức 60 triệu đồng/lượng nhưng vẫn tăng hơn 7% mỗi lượng ở cả hai chiều mua và bán, tương đương khoảng 5 triệu đồng/lượng so với đầu năm 2021. Nhưng đà tăng này vẫn khá ít so với mức tăng hơn 30% trong cả năm 2020.

Nhận xét về diễn biến giá vàng, ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, Singapore và Indonesia kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cho rằng, vàng luôn được xem là hầm trú ẩn tài sản trước bối cảnh lạm phát tăng cao. Vì thế, trong bối cảnh áp lực lạm phát tại nhiều quốc gia, ông Khánh cho hay, nhiều chuyên gia phân tích đã nhận định giá vàng có thể chạm ngưỡng 1.900 USD/ounce trong thời gian tới và không loại trừ tiến sát mốc 2.000 USD/ounce, nếu lạm phát tăng cao. Hơn nữa, các nhà giao dịch vàng cho rằng nhu cầu mua vàng của người dân Trung Quốc sẽ khởi sắc khi Tết Nguyên đán đến gần.

Tuy vậy, báo cáo phân tích của Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu cho hay, để hạ nhiệt lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất cơ bản sớm hơn so với dự kiến là vào cuối năm 2022. Vì thế, giới đầu tư tài chính kỳ vọng USD tăng giá trong tương lai, nên vẫn kiên định nắm giữ USD, giúp đồng bạc xanh không suy yếu so với nhiều ngoại tệ khác. Vì thế, giá vàng chưa thể bật tăng trở lại trong thời gian tới.

Rủi ro chênh lệch giá

Rõ ràng, những phân tích như trên đã cho thấy sự bất định trong diễn biến của giá vàng, nhất là khi tình hình lạm phát của nhiều quốc gia trên thế giới vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro. Do vậy, câu hỏi được đặt ra là có nên đổ tiền đầu tư vào vàng, nhất là khi đã vào thời điểm cuối năm cũ, đầu năm mới thì người dân thường có truyền thống mua vàng để tích trữ tài sản.

Đối với thị trường vàng thế giới, các chuyên gia của ngân hàng Standard Chartered cho rằng “trong rủi ro có cơ hội”. Theo Standard Chartered, bây giờ chính là lúc mua vào vì FED được cho là sẽ không vội vàng tăng lãi suất.

Tuy nhiên, với thị trường trong nước thì người mua vàng đứng trước rủi ro mạnh hơn do khoảng cách chênh lệch quá lớn giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới. Tính trong phiên ngày 25/11, quy đổi theo tỷ giá tại các ngân hàng thương mại, chưa tính thuế phí thì giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới lên tới gần 11 triệu đồng/lượng - mức cao nhất từ trước đến nay. Nhưng suốt từ đầu năm đến nay, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới luôn quanh mức 6 - 8 triệu đồng/lượng, cũng là mức gây rủi ro khá lớn cho người mua vàng trong nước.

Theo chuyên gia Huỳnh Trung Khánh, mức chênh lệch cao do nguồn cung vàng SJC bị hạn chế, khó đáp ứng đầy đủ khi cầu tăng, thị trường vàng trong nước không liên thông với quốc tế. Tuy nhiên, mức mức chênh lệch giá mua và bán của vàng lại không quá cao do các DN kinh doanh vàng phải “phòng thủ” để tránh trường hợp vàng lên nhanh, xuống nhanh dẫn đến thua lỗ. Các DN có độ chênh thấp thể hiện nguồn cung có sẵn, so với những DN có mức chênh cao.

Mặc dù vậy, nhận định về việc đầu tư vào vàng trong nước thời gian tới, vị chuyên gia này cho rằng, vàng vẫn được xem là kênh bảo vệ tài sản của nhà đầu tư an toàn trong bối cảnh lạm phát tăng, vàng còn có tính thanh khoản rất cao, giúp người dân dễ dàng cơ cấu danh mục đầu tư khi cần. Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ nên phân bổ khoảng 20% vốn nhàn rỗi vào vàng.

Còn theo khuyến nghị của Công ty Bảo Tín Minh Châu, giá vàng trong nước có xu hướng tăng giảm không đồng nhất. Vì vậy, nhà đầu tư và người dân nên cân nhắc trước khi giao dịch và thường xuyên theo dõi giá vàng trên các kênh chính thống để có quyết định đúng đắn nhất.

"Hiện tại, vàng nguyên liệu chỉ có Ngân hàng Nhà nước nhập khẩu, nên vàng SJC bị thiếu nguồn cung dẫn đến giá cao. Hơn nữa, dù giá vàng có cơ hội rất lớn để vượt đỉnh cũ trong trung dài hạn nhờ môi trường lạm phát cao nhưng tại Việt Nam, mua vàng rất khó sinh lời do chênh lệch với giá thế giới xấp xỉ 9 - 10 triệu, giá mua - bán cũng sẽ bị kéo giãn ra xa khi giá thế giới có biến động. Không những thế, do chênh lệch quá cao nên khi giá thế giới tăng lên mạnh thì giá trong nước thường có tốc độ chậm hơn để giảm bớt khoảng cách này. Tuy nhiên, với các nhà đầu tư có nhiều tiền thì vàng vẫn là một kênh đầu tư tốt để đa dạng danh mục đầu tư. Nhưng các nhà đầu tư có nguồn lực tài chính hạn chế thì nên phân bổ 2 - 3 kênh đầu tư." - Chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh


"Do việc điều hành linh hoạt tỷ giá hối đoái và sự ổn định của cán cân thanh toán quốc tế, đồng tiền Việt Nam (VND) đang có xu hướng mạnh lên. Tuy nhiên, giá vàng tăng cao do giá vàng thế giới tăng cao trong thời gian tới cũng là một nhân tố đẩy lạm phát cơ bản tăng lên." - Chuyên gia tài chính PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần