Đón Tết ở khu đô thị mới: Gắn kết tình nghĩa, kết nối người dân

Hoàng Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở chung cư cao tầng, có nghĩa là sẽ không còn cơ hội để cùng gói bánh chưng và ngồi bên bếp lửa bập bùng chờ bánh chín. Tục đụng lợn, đụng hoa và không khí chộn rộn của làng quê cũng không còn…

 Người dân tòa nhà chung cư Gemek Tower (huyện Hoài Đức, Hà Nội) gói bánh chưng đón Tết. Ảnh Cao Nguyên.

1. Qua sự phát triển đô thị gần 20 năm, hàng vạn gia đình hình thành và chuyển lên sống ở những căn hộ chung cư ở Hà Nội. Điều đó có nghĩa là họ đã phải sống xa mặt đất, triệt tiêu những gì là thế mạnh và từ đó sống phụ thuộc. Nhưng người dân ta vốn sống đâu quen đấy, mỗi người đều cố gắng thích nghi.
Thế nên, ở mỗi chung cư đã hình thành những “nếp làng”, nghĩa là văn hóa làng xã đã hiện diện. Bằng chứng là họ đã bầu ra Ban đại diện tòa nhà, trưởng các tầng để tổ chức sinh hoạt. Vào ngày lễ Tết, đều có các hoạt động vui chơi, tặng quà, thăm khỏi. Đặc biệt là dịp đón Tết Nguyên đán, người ở lại cũng cố gắng đón Tết vui vẻ. Trước Tết nhiều khu dân cư, các tầng tổ chức tất niên.

Ông Nguyễn Văn Thuyết - Bí thư Chi bộ chung cư CT12C – Khu đô thị (KĐT) Kim Văn - Kim Lũ cho biết, sinh hoạt của khu dân cư, các tầng vẫn rất sôi nổi dịp Xuân về, nhiều tầng tổ chức liên hoan mặn. Sự gắn kết tình nghĩa, tổ chức đón Tết cũng đang lan tỏa tại các chung cư ở KĐT Linh Đàm, Nam Trung Yên (KĐT Yên Hòa)…
Nhiều khu chung cư còn thành lập được hội đồng hương, hội người cao tuổi, câu lạc bộ bóng bàn… Song, cũng phải nói rằng có nơi không tránh khỏi không khí trầm lắng. Như một bác sống ở Tòa nhà Lilama 10, đường Tố Hữu (quận Thanh Xuân) giãi bày: “Tôi từng mấy chục năm đón Tết ở quê, nhưng bốn năm nay ở chung cư, tôi thấy nó cứ chống chếnh làm sao”.
Không ít người chung cảm giác đó, nhưng buộc phải quen, bởi không ai khác, chính những chủ nhân của mỗi căn hộ phải tự thắp lửa cho tổ ấm của mình. Có một thực tế là nhiều gia đình có quê để về đón Tết, lại có gia đình không còn niềm vui ấy.

Nhiều người nói rằng, buộc phải thế, rồi lâu dần sẽ quen với cuộc sống như vậy. Đúng là mọi đồ ăn thức uống đều có thể mua được ở siêu thị hoặc ngoài phố, nhưng chắc chắn không thể mua được không gian. Ở chung cư, người ta vẫn có thể sắm hoa, bánh trái, tổ chức liên hoan với những hộ dân sống cùng tầng, nhưng sẽ chẳng thể nào tìm được những mối giao tiếp bình dị, như cha cắt lá dong, mẹ gói bánh, con trai bổ củi và chị sẽ là người hái rau để chuẩn bị cơm tối.
 Vui đón Tết tại khu đô thị Vinhomes Riverside.
2. Kiến trúc sư Trần Huy Ánh bày tỏ: “Ở dưới mặt đất, hết nước ta có thể chạy sang hàng xóm xin về. Hay ở nông thôn, ta có thể trồng rau, chăn nuôi cung cấp cho đời sống của mình. Còn khi đã lên chung cư, những điều đó phụ thuộc vào dịch vụ người khác cung cấp, nhiều kỹ năng của con người bị triệt tiêu”.
Điều đó thật đúng trong buổi “tấc đất tấc vàng”, mỗi năm cả chục tòa nhà cao tầng mọc lên và nhiều gia đình rồng rắn về những căn hộ đó sinh sống. Nhưng dù thế nào thì nhiều gia đình vẫn muốn kéo thiên nhiên lại gần mình. Họ mua về những tiểu cảnh, chậu cây, chậu hoa đặt ở ban công.

Tôi cũng từng mua chậu hồng, cẩm tú cầu đặt trên ban công và tưới đúng như người bán hàng dặn, nhưng tất cả đều còi cọc và không thể phát triển bình thường. Vậy nên, tôi cảm thông với người hàng xóm cùng tầng 37 tòa chung cư. Bà bán ruộng vườn ra Hà Nội sống cùng con cháu. Nhưng bà thích bình dị, quen với dưa muối tương cà, bầy gà, chim trời, ao cá.
Năm đầu tiên ở chung cư, từ đầu tháng 11 bà bảo con trai mua một đàn gà nhỡ để nuôi chờ đến Tết thịt dần. Anh con trai bảo mẹ, đây là chung cư, chăn nuôi sao được. Muốn ăn thì xuống siêu thị, cái gì cũng có. Chỉ tội bà cụ, từ đó ở nhà trông cháu, cứ thường xuyên đứng từ ban công nhìn ra phía công viên, những tán cây để ngóng… chim trời.

3. Sống ở chung cư, ngay dưới tầng một là dịch vụ. Thậm chí dịch vụ còn “bò” lên cả các tầng trên, kể cả đặt gói bánh chưng. Nhân viên của các đơn vị sẽ đến chào mời, nếu có nhu cầu, cái gì cũng mua được. Hai năm nay ở một số chung cư như Times City (quận Hai Bà Trưng), Gemek Tower (huyện Hoài Đức)… đã tổ chức Hội gói bánh chưng ở khuôn viên khu chung cư.
Điều này đã tạo không khí vui vẻ, kết nối cho người dân, song không phải chung cư nào cũng được Ban quản lý ở đó ủng hộ. Tất nhiên, luộc bánh chưng ở chung cư cũng bằng nồi điện, chứ không có cảm giác của thời luộc bằng củi như một dạo ở nông thôn. Nghĩa là, người chung cư sẽ phải đón Xuân bằng hoài niệm, để tự an ủi mình rằng: “Cuộc sống no đủ thì ở đâu cũng vui!”. Nói thì nói vậy, nhưng nghĩ đến Tết quê, nhiều người vẫn thấy cay cay nơi sống mũi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần