Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đông Anh hướng tới phát triển đô thị bền vững

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 3 năm triển khai Chỉ thị số 01/CT-UBND của UBND TP Hà Nội về thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”, diện mạo huyện Đông Anh đã có nhiều đổi thay tích cực. Mục tiêu phấn đấu trở thành đô thị văn minh, hiện đại và bền vững, đô thị lõi của Thủ đô đang dần trở thành hiện thực.

Tập trung nâng cấp hạ tầng
Nhận thức được tầm quan trọng của chủ trương lớn mà TP đề ra, ngay từ đầu năm 2016, huyện Đông Anh đã tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, bố trí nguồn lực để chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Trong năm, huyện đã đầu tư gần 50 tỷ đồng phục vụ cải tạo, nâng cấp đường nối từ ngã tư 1/5 đến đường Uy Nỗ. Thực hiện lắp đặt mới hệ thống chiếu sáng trên 5 tuyến đường với tổng chiều dài 8,3km. Duy tu, chỉnh trang các tuyến đường bị xuống cấp trên địa bàn huyện và gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng trên 29 tuyến đường phố…
Tuyến đường Uy Nỗ qua trung tâm huyện Đông Anh được xây dựng, chỉnh trang khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Lâm Nguyễn 
Năm qua, Đông Anh đã chủ động phối hợp với Sở Xây dựng, Sở GTVT Hà Nội đầu tư, cải tạo một số hạng mục như mở rộng mặt đường, cải tạo hệ thống thoát nước, lắp đặt bổ sung hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên tuyến QL3. Thực hiện bó gọn, cắt bỏ các đoạn dây điện, cáp thông tin không sử dụng trên các tuyến đường: Cao Lỗ, QL3, Lâm Tiên, Uy Nỗ, ga Đông Anh, Đào Cam Mộc, khu trung tâm thương mại. Đồng thời, thực hiện duy tu, duy trì hơn 120.000m2 thảm cỏ, trang trí hơn 40.000m2 cây xanh, đảo hoa và 7.000 cây xanh tại khu vực trung tâm huyện, các đường trục chính thuộc địa bàn huyện quản lý...

Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông được coi là điểm nhấn của huyện Đông Anh trong khoảng 10 năm qua. Trên cơ sở giao thông được kết nối đồng bộ, địa phương đã và đang tranh thủ có hiệu quả sự hỗ trợ của T.Ư, TP nhằm đẩy nhanh phát triển các dự án kinh tế - xã hội. Một loạt dự án có tầm vóc như: Công viên Văn hóa du lịch vui chơi giải trí Kim Quy, Công viên công nghệ phần mềm, Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia, Khu chức năng đô thị và nhà ở sinh thái, cùng một loạt công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển đô thị dọc đường Võ Nguyên Giáp đã được khởi công, xây dựng. Những công trình hứa hẹn mang tới cho huyện Đông Anh một diện mạo hiện đại hơn trong tương lai không xa.

Bảo đảm trật tự đô thị, an toàn giao thông

Bên cạnh tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng, việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực trật tự đô thị được huyện đặc biệt chú trọng. Hàng năm, UBND huyện xây dựng kế hoạch, triển khai giải tỏa vi phạm. Chỉ tính riêng trong năm 2016, các phòng ban chức năng của huyện đã tổ chức giải tỏa 2.025 vi phạm trật tự công cộng, 593 trường hợp bày bán hàng hóa lấn chiếm vỉa hè, hành lang ATGT, tháo dỡ 54 lều lán, thu giữ 3.043 biển quảng cáo bốn chân và quảng cáo rao vặt. Đặc biệt, đã giải tỏa 14 chợ xanh, chợ cóc. Từ đầu năm đến nay, Đội Thanh tra xây dựng huyện đã kiểm tra, lập biên bản xử lý 125 công trình vi phạm.

Công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trong ngày đạt trên 95% khối lượng tại các điểm tập kết. Đối với 64 điểm tập kết rác thải còn thiếu, tập trung tại một số xã Cổ Loa, Nguyên Khê, Hải Bối, Thụy Lâm, Tiên Dương, huyện chỉ đạo các xã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức và chỉ dẫn, hướng dẫn người dân bỏ rác đúng nơi quy định. Định hướng năm 2017, tiếp tục nghiên cứu, cân đối nguồn lực địa phương để xây dựng thêm các điểm tập kết rác, từng bước giải bài toán “điểm tập kết rác thải”.
 

Với đặc điểm có lượng người và phương tiện qua lại địa bàn rất lớn, UBND huyện đã chỉ đạo lực lượng Công an huyện, Thanh tra GTVT tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT. Đồng thời, có phương án tổ chức tốt công tác phân luồng, tránh ùn tắc giao thông. Trong năm 2016, đã kiểm tra, xử lý 1.419 trường hợp vi phạm giao thông, phạt tiền 356 triệu đồng. Thanh tra GTVT lập biên bản xử lý 856 vụ vi phạm quy định vận tải, hành lang ATGT, thu nộp ngân sách trên 1,4 tỷ đồng. Trước tình trạng giao thông diễn biến phức tạp, trong năm 2017, quản lý hạ tầng kỹ thuật theo phân cấp mới sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Trong đó, sẽ tập trung khắc phục những điểm đen giao thông trên các tuyến đường, thay thế các tấm đan bị mất cắp; bổ sung hệ thống chiếu sáng đô thị và nông thôn; di chuyển các cột đèn điện, trụ bê tông giữa đường...

Hướng tới đô thị xanh - sạch - bền vững

Huyện Đông Anh xác định công tác xây dựng và quản lý đô thị luôn đảm bảo tuân thủ theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Trọng tâm là bảo tồn và chỉnh trang làng xóm dân cư hiện có, kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với các khu vực phát triển đô thị, đảm bảo mật độ xây dựng đô thị thấp (khoảng 30%), còn lại là cây xanh, mặt nước và hạ tầng giao thông. Trước tốc độ đô thị hóa nhanh, dự báo trong vòng 5 năm tới, tốc độ phát triển đô thị trên địa bàn huyện Đông Anh sẽ rất lớn. Điều này sẽ tác động mạnh mẽ và trực tiếp tới công tác quản lý quy hoạch, khai thác tiềm năng đất đai, bảo vệ môi trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tái định cư... Đây không chỉ là thời cơ, mà còn là thách thức lớn cho sự phát triển của huyện.

Nhận thức được những vấn đề trên, để đáp ứng yêu cầu mới trong công tác quản lý, xây dựng phát triển đô thị theo hướng văn minh hiện đại, huyện Đông Anh đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII nhiệm kỳ 2016 - 2020 bằng Chương trình số 06-Ctr/HU về “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, quản lý khai thác tiềm năng đất đai, bảo vệ môi trường và GPMB trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020”. Định hướng những năm tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác lập, rà soát điều chỉnh, quản lý quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch để việc đầu tư xây dựng cũng như phát triển các ngành kinh tế phù hợp với quy hoạch phát triển chung của huyện. Tăng cường quản lý và khai thác tốt nhất các quy hoạch đã được phê duyệt, kết hợp với chủ động kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực nhằm đẩy mạnh quá trình phát triển đô thị bảo đảm phát triển bền vững theo hướng “xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”. Đẩy mạnh khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng các loại đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường. Cùng với đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB, coi đây là khâu đột phá để đáp ứng tiến độ triển khai thực hiện các dự án phát triển đô thị…

Ông Phạm Văn Châm - Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, địa phương luôn xác định: Mỗi người dân là chủ thể trong quá trình xây dựng, phát triển và duy trì chất lượng đô thị bền vững. Do đó, việc nâng cao nhận thức, ý thức của công dân trong thực hiện nếp sống văn hóa đô thị là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng, song hành cùng với công tác đầu tư xây dựng, phát triển đô thị. Theo đó, công tác tuyên truyền được địa phương hết sức quan tâm với trọng tâm cụ thể được xác định là xây dựng văn hóa trong cải tạo nhà cửa; kinh doanh, buôn bán; giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan; văn hóa giao thông, cũng như trong tổ chức hiếu, hỷ... Theo ông Châm, bên cạnh việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nếp sống văn minh đô thị, việc làm tốt và thường xuyên công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm sẽ góp phần tạo nên thói quen sống có văn hóa, văn minh trong cộng đồng dân cư.