Nâng cao thu nhập
Nghệ nhân chạm khắc gỗ mỹ nghệ Đỗ Văn Cường, thôn Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh cho biết, sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ đầu năm nay, hoạt động của làng nghề gỗ mỹ nghệ đã trở lại bình thường. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhưng người dân làng nghề với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các sở, ngành TP đã từng bước vượt qua khó khăn, khôi phục và mở rộng sản xuất.
“Gia đình tôi đã theo làm nghề gỗ mỹ nghệ từ nhiều năm nay. Tất cả nhân khẩu lao động của gia đình đều làm nghề này, thu nhập cũng tương đối ổn định. Bình quân hàng năm, thu nhập của mỗi gia đình làm đồ gỗ mỹ nghệ của làng nghề đạt từ 500 - 600 triệu đồng, cao hơn khá nhiều so với những công việc khác” - anh Đỗ Văn Cường chia sẻ.
Huyện Đông Anh là một trong những địa bàn có thế mạnh về làng nghề truyền thống của TP Hà Nội, trong đó đặc biệt là nghề làm đồ gỗ mỹ nghệ. Theo Phòng Kinh tế huyện Đông Anh, các làng nghề gỗ mỹ nghệ tập trung ở 3 xã: Vân Hà, Liên Hà và Thụy Lâm với khoảng 5.000 hộ sản xuất, hơn 10.000 lao động, hàng năm đạt giá trị sản xuất khoảng 1.500 tỷ đồng, giá trị sản xuất bình quân 500 - 600 triệu đồng/hộ/năm, thu nhập bình quân người lao động đạt 6,7 triệu đồng/người/năm. Trong đó, xã Vân Hà là địa bàn đứng đầu toàn huyện về số lượng người dân làm nghề cũng như doanh thu hàng năm.
Làng nghề gỗ mỹ nghệ huyện Đông Anh chủ yếu sản xuất theo hình thức hộ gia đình, những năm qua đã cung cấp cho thị trường nhiều loại sản phẩm như tượng, tranh gỗ mỹ nghệ, đồ gỗ nội thất văn phòng, gia đình, bàn ghế, sập, giường, tủ thờ... với chất lượng ổn định, giá cả hợp lý, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Hiện nay, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các làng nghề đã áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất làm tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì vậy, những sản phẩm gỗ mỹ nghệ của Đông Anh không chỉ được mở rộng khắp thị trường 3 miền Bắc, Trung, Nam mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia Trung Đông... góp phần quan trọng vào việc gia tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.
“Toàn xã hiện có 5 thôn với gần 2.600 hộ dân, trong đó, 80% hộ dân làm nghề thủ công mỹ nghệ. Giá trị sản xuất hàng năm về đồ thủ công mỹ nghệ đạt khoảng 70% trong tổng thu nhập của toàn xã. Đến nay, xã Vân Hà đã hình thành được mạng lưới phân phối ổn định cho sản phẩm với khoảng 20 công ty chuyên buôn bán, chế biến mặt hàng đồ gỗ, trong đó có nhiều công ty chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ phục vụ trong nước và xuất khẩu” - Chủ tịch UBND xã Vân Hà Đỗ Thị Hảo cho hay.
Tìm hướng phát triển bền vững
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà, đến nay, toàn huyện có 146 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và nâng cấp theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong đó 1 sản phẩm đánh giá tiềm năng 5 sao. Riêng nhóm ngành thủ công mỹ nghệ có 34 sản phẩm được xếp hạng 4 sao và 3 sao. Huyện Đông Anh hiện có 38 chủ thể có sản phẩm được xếp hạng sao, trong đó 16 chủ thể là hợp tác xã, 11 chủ thể là hộ kinh doanh, 11 chủ thể là DN.
“Sau 3 năm triển khai, Chương trình OCOP đã tạo động lực phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, góp phần giải quyết việc làm, phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương. Chương trình khẳng định hướng đi đúng đắn trong phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn các tổ chức sản xuất với sản phẩm, phát huy lợi thế từ các làng nghề truyền thống của huyện” - ông Nguyễn Tuấn Hà nói.
Đối với chương trình OCOP, thời gian qua, huyện Đông Anh đã tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm huy động các nguồn lực, tăng cường hỗ trợ, nâng cấp những sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP. Đồng thời chú trọng phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, thực hiện công tác quản lý, giám sát chất lượng đồng bộ. Đặc biệt, huyện đẩy mạnh rà soát để phát hiện sản phẩm, ý tưởng sản phẩm mới gắn với phong trào khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn. Kế hoạch trong năm 2022, huyện sẽ tiếp tục phát triển, hoàn thiện, tổ chức đánh giá, phân hạng, nâng cấp ít nhất 40 sản phẩm từ 3 sao trở lên.
Thời điểm hiện tại, ngoài việc tập trung rà soát, nâng cấp chất lượng sản phẩm theo Chương trình OCOP và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, huyện Đông Anh đã chỉ đạo phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh giải pháp phát triển bền vững làng nghề, gắn với quy hoạch khu, cụm công nghiệp làng nghề.
Trên cơ sở đó đưa hoạt động sản xuất vào tập trung, thuận tiện cho việc ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Huyện cũng chỉ đạo UBND các xã có làng nghề đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch phát triển du lịch trải nghiệm, kết hợp mua sắm, nghỉ dưỡng... góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Để tiếp tục phát huy lợi thế từ làng nghề truyền thống, làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế làng nghề, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP, hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP được công nhận. Ngoài ra, sẽ tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại; mở rộng hợp tác sản xuất; thúc đẩy phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm làng nghề.
Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh