Đồng bằng sông Cửu Long bước vào giai đoạn hạn mặn khốc liệt nhất mùa khô 2020

Phương Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu mùa khô năm 2019 - 2020 đến nay, đợt xâm nhập mặn đạt mức cao xảy ra từ ngày 8 - 14/2. Dự kiến, từ tuần thứ 2 của tháng 3 này, xâm nhập mặn sẽ đạt đỉnh của mùa khô 2020.

Theo dự báo của các cơ quan nghiên cứu khoa học thuộc Bộ NN&PTNT, từ ngày 29/2 - 6/3/2020, xâm nhập mặn giảm theo kỳ triều xuống. Nước ngọt có khả năng xuất hiện ở các cửa sông Cửu Long cách biển từ 45 - 55km trở lên tại thời điểm triều thấp (chân triều).
Hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long dự án sẽ đạt đỉnh từ ngày 7 - 15/3. Ảnh: Việt Tường/Zing.vn
Đợt xâm nhập mặn từ ngày 7 - 15/3/2020 khả năng ở mức cao nhất từ đầu mùa khô năm nay, với phạm vi ảnh hưởng của ranh mặn 4g/l. Trong đó, ảnh hưởng lớn nhất thuộc hệ thống sông Vàm Cỏ và tác động thấp nhất thuộc về vùng sông Cái.
Đợt xâm nhập mặn này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vùng canh tác cây ăn trái và nước sinh hoạt của người dân. Do đó, để giảm thiểu thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, TP khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng cường thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là tổ chức giám sát chặt chẽ độ mặn tại các cửa lấy nước, vận hành đóng các cửa cống và công trình thủy lợi khi độ mặn vượt mức cho phép, đảm bảo mặn không xâm nhập sâu vào nội đồng. Tranh thủ tích trữ nước ngọt trong thời gian mặn xuống thấp để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong thời gian xâm nhập mặn lên cao.
Đặc biệt, các địa phương khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân chưa tổ chức xuống giống lúa vụ Hè Thu ở những vùng có khả năng ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Thường xuyên báo cáo tình hình ảnh hưởng của xâm nhập mặn về Bộ NN&PTNT để tổng hợp báo cáo, chỉ đạo triển khai các giải pháp, bảo đảm kịp thời.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần