Tại Điều 64, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định, người lao động khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu. Và, đủ 61 tuổi 3 tháng đối với lao động nam, đủ 56 tuổi 08 tháng đối với lao động nữ; sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 20 năm đối với lao động nam; tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 15 năm đối với lao động nữ, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Trường hợp lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25%.
Thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông nhất trí với điều kiện hưởng lương hưu mà nội dung dự thảo đã nêu. Tuy nhiên, do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nên việc giảm điều kiện về thời gian đón bảo hiểm xã hội sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương rất thấp. Lao động nam đóng bảo hiểm xã hội 15 năm chỉ hưởng mức 33,75%, tương đương hơn 2 triệu đồng/tháng.
Đại biểu Phạm Thị Kiều cũng cho rằng, dự thảo Luật đã bỏ quy định về mức lương hưu tối thiểu, là điều nhiều người lao động đang băn khoăn vì có thể dẫn đến xu hướng “nghèo hóa” của một bộ phận người dân trong tương lai. Vì thế, Đại biểu đề nghị xem xét thiết kế cách tính lương hưu chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp.
Với đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, quy định này sẽ thu hút nhóm lao động cao tuổi tham gia đóng bảo hiểm xã hội, Đồng thời tạo thêm điều kiện cho nhiều người được hưởng lương hưu.
Tuy nhiên, với việc tăng tuổi nghỉ hưu, đồng thời lại giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu có thể dẫn tới việc người lao động lợi dụng chính sách nhiều lần rút bảo hiểm xã hội một lần, sau đó lại tiếp tục quay lại tham gia đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, nhất là đối với những lao động trẻ tuổi…
Giảm điều kiện về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu cũng có thể dẫn đến tình trạng nhiều người nghỉ hưu có mức thu nhập thấp do số năm đóng ngắn. Vì thế, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung quy định để tối ưu hóa sự thay đổi này. Qua đó, góp phần vừa mở rộng được các đối tượng hưởng lương hưu vừa giúp mức lương hưu được hưởng sẽ đảm bảo đời sống của người lao động khi nghỉ hưu.