Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đóng bảo hiểm xã hội bằng 70% tổng thu nhập để tăng tiền lương hưu?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Các địa phương đề xuất tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội ít nhất bằng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động để người lao động có cơ hội được tăng lương hưu.

Đề xuất chọn phương án bảo vệ quyền lợi người lao động

Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định, từ năm 2018, đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.

Tuy nhiên, ở một số DN vẫn tồn tại tình trạng tách thành nhiều khoản trợ cấp, bổ sung để không đóng bảo hiểm xã hội. Theo đó, mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vẫn còn khoảng cách nhất định so với tiền lương thực tế của người lao động. Điều này ảnh hưởng đến việc thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động, nhất là mức tiền lương hưu khi về già.

Các địa phương đề xuất tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương. Ảnh minh họa. 
Các địa phương đề xuất tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương. Ảnh minh họa. 

Do vậy, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ LĐTB&XH đưa ra 2 phương án tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định:

Phương án 1: Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Phương án 2: Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật.

Theo Bộ LĐTB&XH, so với phương án 1, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tại phương án 2 sẽ bao gồm thêm cả các khoản phụ cấp lương, bổ sung khác gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.

Với hai phương án được đưa ra, Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét lựa chọn phương án 2 để đảm bảo tính thống nhất về cách đóng bảo hiểm xã hội. TS Phạm Đình Thành – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Bảo hiểm xã hội cũng đồng tình với phương án 2.

“Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật. Theo tôi nên tuân thủ theo quy định của nhà nước, để bảo vệ quyền lợi của người lao động” – TS Phạm Đình Thành nói.

Xem xét cụ thể tiền lương tối thiểu vùng và phụ cấp

Cùng với việc đưa ra 2 phương án tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bộ LĐTB&Xh đề xuất: Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc do Chính phủ quy định không thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, thấp nhất bằng 2.000.000 đồng.

Về quy định mức lương thấp nhất làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (2.000.000 đồng), bảo hiểm xã hội tự nguyện (1.500.000 đồng), Bộ Tư pháp đề nghị Bộ LĐTB&XH làm rõ lý do, cơ sở lựa chọn mức tiền lương thấp nhất (2.000.000 đồng) làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Trong khi đó, một số địa phương như UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị sửa đổi: Chính phủ quy định chi tiết tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động, đảm bảo tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực DN ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản phụ cấp khác có tính chất lương của người lao động.

“Tại khoản 8 Mục II của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã quy định nhằm khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ bảo hiểm xã hội ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội và quyền lợi của người lao động” – công văn của UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nêu lý do.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đồng tình với đề xuất của Hà Nội và các tỉnh về đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khu vực DN tối thiểu bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản phụ cấp khác có tính chất lương. Mục tiêu này là đúng với tinh thần của Nhà nước và chắc chắn tiền lương hưu sẽ cao hơn và đảm bảo cuộc sống tốt hơn.

Tuy nhiên, cần phải phân biệt 2 vấn đề: Khu vực công chức Nhà nước thì chúng ta yên tâm về việc đóng bảo hiểm xã hội bằng 100% tổng tiền lương và các khoản phụ cấp khác có tính chất lương. Nhưng khu vực có quan hệ lao động thì phải xem xét cụ thể, bởi có lương tối thiểu 4 vùng và những khoản phụ cấp có tính chất tiền lương, được hạch toán vào giá thành sản phẩm. Và làm sao để không biến tướng phụ cấp mang tính chất tiền lương, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

 

Bộ Tư pháp cho rằng, hiện nay, quy định về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tương đối đầy đủ. Để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và phù hợp thực tiễn và có cơ sở để đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ LĐTB&XH là cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung làm rõ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quy định hiện hành về tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và đề xuất chọn 1 trong 2 phương án tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.