Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng bào Khmer Sóc Trăng đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây

Xuân Lương - Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Niềm vui đón Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer Sóc Trăng được nhân đôi khi việc sản xuất lúa trong năm qua đạt được nhiều thắng lợi.

Sóc Trăng là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống chiếm tỷ lệ hơn 30% dân số của tỉnh. Hàng năm cứ đến trung tuần tháng 4 dương lịch, đồng bào Khmer lại nô nức đón mừng tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây. Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer hay còn gọi là Tết “chịu tuổi”, năm nay được diễn ra trong 4 ngày (từ ngày 13/4 đến ngày 16/4/2024).

Không khí Tết Chôl Chnăm Thmây 2024 đang rộn ràng và náo nhiệt tại Sóc Trăng, nơi có cộng đồng Khmer đông đảo nhất cả nước.
Không khí Tết Chôl Chnăm Thmây 2024 đang rộn ràng và náo nhiệt tại Sóc Trăng, nơi có cộng đồng Khmer đông đảo nhất cả nước.

Những ngày cận tết Chôl Chnăm Thmây, đồng bào phật tử Khmer đã dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Tại các điểm chùa, sư tăng cùng đồng bào phật tử vệ sinh khuôn viên, treo băng rôn, cờ hoa, sơn phết, trang trí, chuẩn bị những nơi tổ chức các nghi thức trong dịp năm mới của bà con.

Đón Chôl Chnăm Thmây năm nay, bà con ở xã An Hiệp, huyện Châu Thành điều phấn khởi bởi một năm sản xuất thắng lợi. Hiện nay, bà con đang thu hoạch lúa Đông Xuân muộn với năng suất khoảng 1 tấn/công (gần 1.300m2). Thương lái thu mua giá dao động trên dưới 8.000 đồng/kg với các loại lúa giống OM, Đài Thơm 8, nông dân địa phương này lời từ 4-5 triệu đồng/công.

Ông Thạch Vạch (ở ấp Bưng Tróp A, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: “Năm nay lúa trúng mùa, trúng giá. Tôi làm lúa OM bán cho thương lái 8.000 đồng/kg. Vụ này, trừ chi phí từ tiền phân bón, cày ải, giống, thu hoạch, còn lời khoảng từ trên 4 triệu-5 triệu đồng/công. Năm nay đón tết mừng lắm, vui lắm”.

Trong năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của Sóc Trăng có nhiều chuyển biến tích cực, thực hiện đạt và vượt 14/20 chỉ tiêu theo kế hoạch. Các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện.

Đặc biệt, Sóc Trăng đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Khmer, tạo sự chuyển biến quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, bộ mặt vùng dân tộc có nhiều khởi sắc, nhất là vùng sâu, vùng sa, vùng đặc biệt khó khăn.

Hiện nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; tất cả xã, phường, thị trấn và 100% ấp, khóm có điện lưới quốc gia; hơn 99,6% hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Các xã trên địa bàn tỉnh đều có trường, lớp học và duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học, có trạm y tế đạt Bộ tiêu chí quốc gia, mạng lưới y tế ngày càng phát triển, chất lượng công tác khám, chữa bệnh ngày càng được nâng lên. Bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số được giữ gìn và phát huy.

Theo ông Lý Rotha, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, địa phương đã tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; quan tâm hỗ trợ, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào Khmer vươn lên trong cuộc sống; triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội; chú trọng thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy nét đẹp, bản sắc văn hoá của đồng bào Khmer.

Qua đó, đời sống, vật chất, tinh thần đồng bào Khmer tiếp tục được nâng lên, Hiện nay, tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh giảm còn 3.937 hộ, chiếm tỷ lệ 3,86%.