Đồng bộ các giải pháp, nâng cao hiệu quả hệ thống chính trị

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay 13/5, Thành ủy  Hà Nội đã tổ chức tổng kết Chương trình 01 về...

Kinhtedothi - Sáng nay 13/5, Thành ủy  Hà Nội đã tổ chức tổng kết Chương trình 01 về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; năng lực quản lý điều hành của bộ máy chính quyền; chất lượng họat động của MTTQ, các đoàn thể Nhân dân các cấp, giai đoạn 2011 – 2015”.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị và các đồng chí trong Thường trực Thành ủy đã đến dự.

Chú trọng công tác cán bộ

Theo đánh giá, hơn 4 năm qua, 17 đề án, chuyên đề cấp thành phố, 533 đề án, chuyên đề của các cấp ủy trực thuộc đã được xây dựng và thực hiện, điều đó cho thấy Chương trình 01-CTr/TU đã được triển khai nghiêm túc trong toàn hệ thống chính trị của Thủ đô. Điều đó đã tạo nên khí thế chính trị mới trong đời sống xã hội. Đặc biệt, không riêng đối với Chương trình 01-CTr/TU, Hà Nội đã có nhiều đổi mới trong cách thức học tập, nghiên cứu, triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, chương trình của Trung ương và thành phố nhằm tránh "căn bệnh" hình thức, thiếu hiệu quả.
Đồng bộ các giải pháp, nâng cao hiệu quả hệ thống chính trị - Ảnh 1
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Hải
Cụ thể, Thành ủy đã tổ chức học tập, quán triệt các nội dung quan trọng nêu trên trong đó có Chương trình 01-CTr/TU gắn với đẩy mạnh việc thực hiện "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" bằng hội nghị cán bộ chủ chốt từ thành phố tới cấp xã, phường, thị trấn (theo hình thức tập trung hoặc trực tuyến) nhằm tiết kiệm thời gian, kinh phí. Tiếp đó, các đồng chí bí thư, cấp ủy có trách nhiệm trực tiếp truyền đạt các chỉ thị, nghị quyết, chương trình công tác lớn của Trung ương và thành phố cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cách làm này đã tạo nên sự thống nhất, đồng bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo từng nội dung, lĩnh vực, vấn đề cụ thể.

Ban Thường vụ Thành ủy tiên phong đi đầu về lấy phiếu tín nhiệm các vị trí chủ chốt và 7 cán bộ lãnh đạo các sở, ngành được xem là nhạy cảm. Thay vì 5 năm đánh giá một hoặc hai lần, thành phố đã thực hiện đánh giá cán bộ ít nhất mỗi năm một lần. Không khép kín trong nội bộ, đối tượng tham gia đánh giá cán bộ được mở rộng. Quy trình đánh giá bảo đảm tính chặt chẽ, khách quan, công tâm. Sau hai lần đánh giá có mức độ tín nhiệm thấp, cán bộ đó sẽ được thay thế, chuyển sang đảm nhận công việc khác. Công tác thi tuyển công chức cũng được đổi mới theo hướng công khai, minh bạch với việc ứng dụng công nghệ thông tin để ngăn ngừa, chống tiêu cực... Công tác đánh giá cán bộ được coi trọng chính là nền tảng để Thành ủy Hà Nội và các cấp ủy thành phố thực hiện công tác quy hoạch, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và luân chuyển, điều động cán bộ.

Thành ủy Hà Nội đã chủ động làm tốt công tác quy hoạch cán bộ. Khi cần thiết thay thế hay bố trí cán bộ cho một vị trí lãnh đạo, thành phố luôn chủ động về nguồn, thường là có ít nhất hai đồng chí có thể đảm đương được nhiệm vụ. Kết quả quy hoạch cán bộ của thành phố nhiệm kỳ tới cũng được Trung ương đánh giá cao về tiến độ và chất lượng. Phương châm quy hoạch "động" và "mở" được Thành ủy Hà Nội thực hiện gắn với công tác kiểm tra, đánh giá, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ thường xuyên. Trong nhiệm kỳ qua, hình thức và nội dung bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cũng được các ban Đảng Thành ủy tham mưu kịp thời theo hướng tiếp cận cách làm của Trung ương. Việc mở lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các cán bộ nguồn lãnh đạo quản lý thành phố năm 2014 là ví dụ.

Trên cơ sở đánh giá, quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, Thành ủy đã tích cực thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ. Ở diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, thành phố đã điều động, luân chuyển 95 lượt cán bộ trong nhiệm kỳ XV. Từ chỗ hợp nhất hai bộ máy cấp tỉnh, đến nay, cơ cấu bộ máy hệ thống chính trị của TP Hà Nội cơ bản ngang bằng về số lượng các vị trí lãnh đạo với các tỉnh, thành khác. Các cấp ủy cấp dưới cũng thường xuyên thực hiện công tác này với hàng nghìn lượt cán bộ bao gồm cả những vị trí nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực ở cơ sở... Các cán bộ được luân chuyển, điều động đến vị trí mới đều đảm đương tốt công việc, nhiều đồng chí phát huy được năng lực, sở trường, được cất nhắc, bổ nhiệm lên vị trí cao hơn.

Hiệu quả từ thực tế

Ngoài tác động đồng bộ và toàn diện lên cả hệ thống chính trị, việc thực hiện Chương trình 01-CTr/TU đã giúp Đảng bộ Thủ đô tạo đột phá trên nhiều vấn đề khó, vấn đề mới. Nổi bật là Đề án số 06-ĐA/TU, ngày 24-9-2013, của Ban Thường vụ Thành ủy về "Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội" và Nghị quyết 09-NQ/TU, ngày 27-2-2012, của Ban Thường vụ Thành ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp (DN) ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020". 
Đồng bộ các giải pháp, nâng cao hiệu quả hệ thống chính trị - Ảnh 2

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Thế Thảo trao danh hiệu cho các Tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền (2010-2014)

Thực hiện Đề án 06, thành phố đã tổ chức đồng bộ gần 5.000 tổ chức cơ sở Đảng với hệ thống chính trị, khắc phục tình trạng hai, ba thậm chí là 9 chi bộ lãnh đạo một thôn, tổ dân phố. Với Nghị quyết 09, toàn thành phố đã thành lập mới 540 tổ chức Đảng, kết nạp 3.117 đảng viên mới, trong đó có 16 chủ DN, cùng hàng nghìn tổ chức đoàn thể nhân dân, kết nạp hàng chục vạn đoàn viên, hội viên mới trong các DN ngoài nhà nước. Kết quả thực hiện Nghị quyết đã tạo bầu không khí mới, phát huy vai trò, vị trí của các tổ chức Đảng và đoàn thể nhân dân trong các DN ngoài khu vực nhà nước, cùng DN tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, thu nhập, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Không chỉ phục vụ những nhiệm vụ trước mắt, ngắn hạn, Chương trình 01-CTr/TU được xây dựng còn vì mục đích có ý nghĩa chiến lược, lâu dài. Điểm nhấn nổi bật trong kết quả thực hiện Chương trình thời gian qua là đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ kế cận. Ngày 24-9-2013, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Đề án 07-ĐA/TU về "Đào tạo cán bộ nguồn TP Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020" nhằm thực hiện chỉ tiêu đào tạo 1.000 cán bộ nguồn. Đây là chỉ tiêu được hoàn thành sớm nhất. Các lớp cán bộ nguồn đều được tổ chức, quản lý một cách hết sức bài bản, khoa học nhằm kiểm soát được chất lượng từ "đầu vào" đến "đầu ra". Học viên được tuyển chọn từ cơ sở, sau quá trình học tập trung từ 18 đến 24 tháng, được phân công về học tập thực tiễn tại cơ sở 12 tháng. Sau thời gian đó, mỗi học viên được sát hạch công chức dựa trên nhiều cơ sở như kết quả học tập trong trường đại học, kết quả học tập lớp cán bộ nguồn, kết quả hoạt động thực tiễn ở cơ sở. Ban Tổ chức được Thường trực Thành ủy giao nhiệm vụ phối hợp cùng các quận, huyện, thị xã lập sổ bộ theo dõi và hằng năm tiếp tục triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để 5-10 năm sau và xa hơn nữa sẽ có một lứa cán bộ đủ tầm trở thành cán bộ chủ chốt các cấp của thành phố.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần