Đồng bộ giải pháp giúp hàng Việt chiếm lĩnh thị trường

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các chương trình xúc tiến thương mại như đưa hàng Việt về nông thôn, đưa hàng Việt về chợ truyền thống đã được triển khai đến hầu khắp các tỉnh thành cả nước.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức trong việc sản xuất và phân phối các sản phẩm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người Việt để cung ứng cho thị trường.

Các chương trình xúc tiến thương mại như đưa hàng Việt về nông thôn, đưa hàng Việt về chợ truyền thống đã được triển khai đến hầu khắp các tỉnh thành cả nước. Do vậy, mối liên kết giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ hàng nội, các địa phương với các địa phương để đưa hàng hóa đến sâu từng địa phương đã được hình thành và phát triển.

Đồng bộ giải pháp giúp hàng Việt chiếm lĩnh thị trường - Ảnh 1
Một phiên chợ hàng Việt tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Điều này đã góp phần đắc lực trong việc giảm tồn kho cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh hàng tồn kho tăng cao như những tháng đầu năm. Tuy nhiên, sản phẩm "nội" không phải lúc nào cũng đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng.

Theo nghiên cứu mới nhất của Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), tại chợ Đồng Xuân trung tâm bán buôn có doanh thu hàng năm đạt hơn 4.000 tỷ đồng là nơi phát nguồn hàng cho các tỉnh phía Bắc, nhưng hiện hàng có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm tới 90% thị phần như hàng điện tử, đồ chơi các loại vải sợi, quần áo may sẵn. Những tiểu thương kinh doanh ở đây lý giải, hàng Trung Quốc thu hút khách bởi giá rẻ, phù hợp với thị hiếu khách hàng.

Cùng với đó, những mặt hàng nông sản, hoa quả vốn là thế mạnh của Việt Nam cũng trong tình trạng tương tự. Mặc cho người tiêu dùng đang quay lưng, không sử dụng hoa quả không rõ xuất xứ, đặc biệt là của Trung Quốc nhưng có một nghịch lý đáng buồn là khi họ tìm mua hàng nông sản trong nước thì thị trường không đáp ứng đủ nhu cầu. Thực tế cho thấy, những mặt hàng nông sản thương hiệu Việt như bưởi da xanh, cam Vinh, thanh long ruột đỏ chỉ xuất hiện trong hệ thống siêu thị, hầu như vắng bóng tại các chợ truyền thống.

Giám đốc BSA Vũ Kim Hạnh cho rằng ngoài những thuận lợi, cuộc vận động vẫn gặp phải những khó khăn nhất định mà tiêu biểu là nguồn kinh phí dành cho xúc tiến thương mại nội địa vẫn còn nhiều hạn chế, gây ảnh hưởng đến việc triển khai cuộc vận động sâu rộng đến các địa phương. Cùng đó là hệ thống phân phối ở các địa phương, nhất là các địa phương vùng sâu vùng xa còn chưa hoàn thiện nên khi đưa hàng Việt về các địa phương này còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, việc hàng Việt chưa thực sự chiếm được cảm tình của người tiêu dùng còn do hoạt động quảng bá chưa được chú trọng. Hiện không có nhiều doanh nghiệp quảng bá sản phẩm tại thị trường nông thôn, khiến người tiêu dùng thiếu thông tin về chất lượng hàng hóa, dẫn đến tâm lý e ngại mỗi khi mua hàng Việt.

Trong khi đó, một số sản phẩm của địa phương như hàng may mặc dù chất lượng không thua kém hàng nhập khẩu, giá lại chỉ bằng 2/3, nhưng những sản phẩm này chưa tạo được sức hút trong các phiên chợ hàng Việt. Nguyên nhân của thực trạng trên là do doanh nghiệp khi muốn quảng bá thương hiệu, sản phẩm buộc phải vào thành phố đăng ký.

Theo bà Hạnh, cuộc vận động sẽ được tiếp tục quán triệt và triển khai sâu rộng hơn nữa theo đúng chương trình chung của Trung ương. Bên cạnh đó, các chương trình xúc tiến thương mại sẽ được triển khai sâu rộng hơn nữa, đặc biệt là các chương trình như đưa hàng Việt vào chợ truyền thống, đưa hàng Việt về nông thôn.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo sẽ tập trung nhiều hơn vào việc nâng cao nhận thức của người bán hàng bởi lẽ hiện nay một số tiểu thương còn vì lợi nhuận nên chưa chú trọng đến việc bán hàng Việt. Vì vậy, cuộc vận động đang có chương trình đào tạo về văn minh thương mại cho người bán hàng, đánh vào lòng tự hào dân tộc của họ nhằm nâng cao nhận thức và cho họ thấy rằng bán hàng Việt tức là nâng cao lòng tự hào của người Việt.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần chú trọng đến hoạt động tuyên truyền, từ đó từng bước hình thành văn hóa tiêu dùng hàng Việt trong cộng đồng dân cư. Hoạt động này phải được tiến hành thường xuyên liên tục. Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn chiếm lĩnh sân nhà, ngoài việc cải tiến mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm cần nắm bắt tâm lý, thị hiếu của người tiêu dùng từ đó đưa ra sản phẩm phù hợp với từng phân khúc thị trường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần