Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dòng chảy Phương Bắc 2 không phải là mối đe dọa lớn đối với khí đốt Mỹ

Nguyễn Phương (Theo Sputnik)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cựu cố vấn chính sách năng lượng của Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định khí đốt Mỹ vẫn có nhiều lợi thế cạnh tranh tại thị trường EU.

Dòng chảy Phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa tập đoàn Gazprom với 5 công ty của châu Âu.
Trả lời phỏng vấn hãng tin RIA Novosti (Nga) George David Banks, nguyên cố vấn chính sách năng lượng của Tổng thống Mỹ Donald Trump và cựu tổng thống George W. Bush cho biết, ông không xem dự án tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga là mối đe dọa lớn vì khí đốt của Mỹ vẫn có những lợi thế cạnh tranh tại thị trường Liên minh châu Âu (EU).
"Tôi không quan tâm đến sự thống trị của Nga đối với thị trường năng lượng châu Âu, do Mỹ hiện đang là nhà xuất khẩu khí đốt lớn và chắc chắn sẽ tiếp tục cung cấp nhiều hơn nữa. Vì vậy, việc khí đốt Mỹ đang chiếm lĩnh thị trường sẽ hạn chế khả năng Nga sử dụng đòn bẩy này trong việc cung cấp khí đốt cho EU. Tôi không nhận thấy dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 là mối đe dọa như một số người bày tỏ lo ngại”, ông Banks cho hay.
Cựu cố vấn của Trump cũng lý giải thêm rằng khí đốt của Mỹ, vốn ít sử dụng khí nhà kính hơn khí đốt của Nga, sẽ rẻ hơn đối với các khách hàng tại châu Âu. “Tập đoàn Gazprom, chủ đầu tư dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 và các công ty khác sẽ phải đầu tư nhiều hơn để lọc khí mêtan", ông Banks nhấn mạnh.
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry hôm 11/3 cho biết các lệnh trừng phạt của Washington đối với Dòng chảy Phương Bắc 2 "vẫn đang nằm trên bàn".
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng và Tài nguyên thuộc Thượng viện Mỹ Lisa Murkowski nói với hãng Sputnik rằng Thượng viện không xem xét các biện pháp trừng phạt chống lại dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.
Dòng chảy Phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa tập đoàn Gazprom với 5 công ty của châu Âu. Khi hoàn thành (muộn nhất vào cuối năm 2019), mỗi năm, hệ thống đường ống dài 1.225 km này sẽ vận chuyển 55 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga tới các nước thành viên EU thông qua biển Baltic đến Đức, không đi qua lãnh thổ Ukraine.
Các nước Đức, Thụy Điển, Áo và Pháp đã cấp phép xây dựng dự án này. Tuy nhiên, dự án vấp phải sự phản đối của Ukraine, Latvia, Litva và Ba Lan vì cho rằng dự án mang màu sắc chính trị.
Ngoài một số nước châu Âu, Mỹ cũng là nước phản đối dự án vận chuyển trực tiếp khí đốt từ Nga tới Đức này.