Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đóng cửa hàng dịch vụ không thiết yếu: Giải pháp thiết thực ứng phó dịch Covid-19

Công Thọ – Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 26/3, Hà Nội vận động nhiều cửa hàng kinh doanh dịch không thiết yếu trên địa bàn TP Hà Nội ngừng kinh doanh để phòng, chống dịch Covid-19. Giải pháp này của TP Hà Nội nhận được nhiều ý kiến đồng tình từ dư luận cũng như chính các chủ cửa hàng.

Nhiều biện pháp phòng chống dịch quyết liệt
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, cùng với cả nước, Hà Nội thực hiện hàng loạt các biện pháp quyết liệt, trong đó, trừ các cửa hàng thiết yếu như xăng dầu, thuốc, cửa hàng bán thức ăn, còn lại tất cả các cửa hàng dịch vụ đều phải đóng cửa trong vòng 2 tuần, đến ngày 5/4/2020.
 Thường trực Thành ủy làm việc với Ban Cán sự đảng UBND thành phố và Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
TP làm việc với các DN trên địa bàn, bảo đảm cung cấp đủ các mặt hàng thực phẩm, không tăng giá bán. Các trường học tiếp tục nghỉ học, khuyến cáo người dân không sử dụng phương tiện giao thông công cộng; người dân nên ở nhà, không nên ra ngoài trừ khi phải mua lương thực thực phẩm...
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Hà Nội tiến hành rà soát các trường hợp đã nhập cảnh Việt Nam từ 8/3/2020 với 3.082 người nhập cảnh qua đường bay quốc tế, xét nghiệm được 938 trường hợp, trong đó phát hiện 4 trường hợp dương tính để cách ly, chữa bệnh và cảnh báo đến người dân, từ đó thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống lây chéo dịch bệnh trong cộng đồng...
 Một du khách tản bộ trên phố cổ Hà Nội, phía sau lưng là dãy hàng quán đã đóng cửa theo yêu cầu của TP
Các quận, huyện của TP Hà Nội đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền các biện pháp phòng dịch, vận động các cửa hàng dịch vụ không thiết yếu tạm thời đóng cửa, đến từng khách sạn kiểm tra, hướng dẫn khai báo y tế khách lưu trú... Ngay tối ngày 25/3, ít phút sau cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Hà Nội kết thúc, hàng loạt cửa hàng, quán cà phê, cửa hàng ăn uống trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã tạm ngừng hoạt động để tập trung đông người, ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Đây là một trong những biện pháp được thực hiện ngay sau khi Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu tại cuộc họp.

Hạn chế đông người là giải pháp quan trọng

Giải pháp hạn chế tụ tập đông người, ngừng kinh doanh trong 2 tuần các cửa hàng không thiết yếu đang được sự đồng thuận mạnh mẽ từ dư luận người dân.

 Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP Hà Nội giao ban trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo.
Luật sư Nguyễn Hoài Nam - Văn phòng Luật sư Hoàng Huy bày tỏ đồng tình với giải pháp của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Theo luật sư, có thể coi đây là biện pháp cần thiết để hạn chế sự lây lan dịch trong cộng đồng. Có thể chủ nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ cho rằng, việc cấm hoạt động sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh, dẫn đến nguy cơ vỡ nợ.
Tuy nhiên, căn cứ diễn biến dịch bệnh, và theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, trong trường hợp cần thiết, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch. Giai đoạn này đang là “thời điểm vàng” trong phòng, chống dịch, do đó, người dân cần tin tưởng, phối hợp cùng chính quyền để ngăn chặn, dập dịch.
 Nhiều cửa hàng kinh doanh đóng cửa nhằm hạn chế việc tập trung đông người
Qua theo dõi tình hình dịch bệnh gần đây, Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho rằng, những ca nhiễm bệnh gần đây chủ yếu từ các nước châu Âu, và một số nước khu vực Đông Nam Á “nhập cảnh” về. Trong khi đó, từ ngày 15/3/2020 Việt Nam chưa áp dụng cách ly hành khách nhập cảnh với một số nước vì vậy vẫn còn những hành khách từ các quốc gia có dịch nhập cảnh vào Hà Nội, có nguy cơ nhiễm bệnh... Như vậy, trong cộng đồng có những ca “lọt lưới”, có thể lây lan dịch bệnh.
 Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện bệnh nhiệt đới T.Ư. Ảnh: Tất Sơn/VNP

Cho rằng, dịch bệnh này có thể hạn chế bằng cách giảm tiếp xúc, từ đó giảm nguy cơ lây lan, nên bác sỹ Nguyễn Hồng Hà nhận xét, những chỉ đạo như giảm lễ hội, hội họp; đóng cửa các dịch vụ không cần thiết để hạn chế tối đa việc tụ tập đông người; tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết... là những giải pháp cần thiết, hiệu quả phòng chống dịch Covid-19 hiện nay.
"Chỉ cần một ca bệnh ở một đám cưới, lễ hội đông người có thể lây sang hàng trăm người. Lúc đó, không ai có công sức đâu tìm các trường hợp tiếp xúc, cách ly, công tác phòng chống vô cùng khó khăn. Do vậy, việc cấm tụ tập đông người, không hội họp là chủ trương quan trọng của Chính phủ" - Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện bệnh nhiệt đới T.Ư

Nhiều nước trên thế giới đang áp dụng biện pháp mạnh mẽ, nhưng với Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà nhận định, các giải pháp của Chính phủ, các địa phương như hiện nay là “ở mức độ phù hợp với tình hình”. Trong trường hợp nếu diễn biến dịch Covid-19 phức tạp cũng cần xem xét áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa.
GS.TS - Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí,  Đại biểu Quốc hội khóa 14, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho rằng, giải pháp của Hà Nội về việc không tụ họp đông người, tạm ngừng cửa hàng dịch vụ không thiết yếu, chỉ mở cửa hàng thực phẩm, không để tăng giá thực phẩm, ... là những giải pháp rất tốt, cần làm quyết liệt, triệt để.
 GS.TS - Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí,  Đại biểu Quốc hội khóa 14, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương
Ghi nhận của phóng viên trong sáng 26/3, thực hiện yêu cầu của UBND TP Hà Nội về tạm dừng hoạt động tất cả các cửa hàng, dịch vụ không thiết yếu như quán cà phê, nhà hàng, quán bar, karaoke… nhiều quán cà phê, quán ăn, nhà hàng đều đã thu dọn đồ đạc, dọn dẹp quán và tạm dừng hoạt động kinh doanh nhằm chung tay cùng TP phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, do chưa tiếp nhận được thông tin hoặc chưa ý thức hết được mục đích quan trọng của việc dừng hoạt động để chung tay cùng cả TP phòng, chống dịch Covid-19, vẫn còn có hàng quán, cà phê, quán bia... tiếp tục hoạt động. Nhiều chủ quán cho biết, do chưa nhận được yêu cầu đóng cửa từ lực lượng chức năng, nên vẫn cho nhân viên mở cửa kinh doanh bình thường. Nếu có yêu cầu từ chính quyền chủ cửa hàng sẵn sàng đóng cửa ngay, để góp sức chống dịch.
 Cửa hàng cafe trên phố Ngô Quyền vẫn mở cửa vào sáng 26/3.
Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền cơ sở cấp phường, quận là rất quan trọng để các giải pháp của Chính phủ, TP được thực hiện nghiêm, góp phần phòng chống dịch bệnh.