Theo truyền thống Lễ hội vật cầu Thúy Lĩnh sẽ tổ chức từ mùng 4 đến mùng 7 Tết. Được biết, Lễ hội vật cầu của làng Thúy Lĩnh có từ thời vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072). Khi đó, thái tử Linh Lang, con trai thứ tư của vua Lý Thánh Tông, thường tổ chức lễ hội vật cầu để quân sĩ vui chơi mỗi dịp tết đến, Xuân về và cũng là cách để ông rèn luyện sức khỏe cho quân sĩ. Luật chơi cũng khá đơn giản, có 8 đội chơi chia làm 2 bàng, mỗi trận đấu có 4 đội (mỗi đội 2 người chơi) tham gia, mỗi trận đấu kéo dài 40 phút.
Các đội đều cố đưa quả cầu dùng cho trận đấu được làm bằng gỗ mít nặng tới 15-18 kg về lỗ của đội mình trong sự cản phá quyết liệt của các thành viên 3 đội khác. Đội nào đưa được cầu về lỗ nhiều lần hơn sẽ giành chiến thắng, tất nhiên 3 đội còn lại không để cho đối thủ dễ dàng giành chiến thắng. Mỗi lần đưa được cầu về hố sẽ được 1 giải con, nếu được 3 giải con liên tiếp thì được thưởng 1 giải cái. Cuối trận đấu trọng tài sẽ đếm giải con, giải cái để quyết định đội thắng thua.
Đây là môn thể thao đòi hỏi trí tuệ, thể lực, sức mạnh và cả sức bền nên muốn tham gia, các thành viên phải tập luyện cả kỹ năng chuyền cầu, chiến thuật thi đấu lẫn thể lực. Việc có nhiều khán giả đến cỗ vũ đã góp phần cho các trận đấu sôi nổi, hào hứng, nhiều Mạnh Thường quân đã rút tiền trao giải thưởng nóng khiến cho giải đấu năm nay thêm kịch tính.
Ông Lê Minh Xương, Trưởng ban tổ chức Lễ hội vật cầu Thúy Lĩnh năm nay cho biết: “Đây là hoạt động văn hóa truyền thống mỗi độ xuân về nên chính quyền và người dân rất quan tâm và ngay ngày đầu tiên thi đấu đã có hàng trăm người dân phường Lĩnh Nam và các phường xung quanh đến xem. Sau nhiều năm bị dịch Covid-19, năm nay giải được tổ chức chu đáo và dự báo sẽ còn rất nhiều trận đấu hấp dẫn”.
Chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam Tạ Việt Dũng cho rằng: "Không chỉ có 8 đội thi đấu vật cầu mà chúng tôi bố trí các chương trình văn hóa nghệ thuật của các tổ chức đoàn thể đan xen để lễ hội năm nay thực sự là sự kiện văn hóa có ý nghĩa nhận dịp đầu năm của địa phương".
Đến với lễ hội, chúng ta sẽ được chứng kiến:
Tùng tùng trống đánh ngũ liên
Bốn đôi trai tráng xông lên tranh tài
Quả cầu gỗ thắm hồng tươi
Tranh tài đua sức, ai người kém ai
Làm trai cho đáng nên trai
Góp công xây dựng tương lai nước nhà
Bao đời truyền thống ông cha
Hội làng trai tráng quê ta vật cầu