Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Các chuyên gia và DN đánh giá, sự hỗ trợ trên là cần thiết, cấp bách nhằm giúp cộng đồng DN, người dân vượt qua khó khăn, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh trong giai đoạn hậu dịch Covid-19.

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở cửa sản xuất, kinh doanh trở lại

Mục tiêu của Nghị quyết là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, giảm thiểu số DN tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, sớm kiểm soát được dịch bệnh, khôi phục sản xuất kinh doanh.

Nghị quyết đặt ra 4 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; Thứ hai, đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng; Thứ ba, hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia.

 Nghị quyết số 105/NQ-CP tháo gỡ điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Anh minh hoạ

Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS Lê Xuân Sang cho rằng, 4 nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đề ra cụ thể rất lớn lao và thiết thực. Để DN hoạt động trở lại, tiêm vaccine đầy đủ cho người lao động là yêu cầu đầu tiên các DN kiến nghị với Chính phủ và các địa phương thực hiện trong thời gian tới. Ông cho rằng cần đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho người lao động, đặc biệt là những ngành sử dụng nhiều công nhân như dệt may, da giày, thủy sản...

Về lưu thông hàng hoá, “trong các giải pháp về ổn định sản xuất, lưu thông có nhấn mạnh đến nguyên vật liệu và vật tư hàng hóa phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là hàng hóa thiết yếu mà việc lưu thông thuận lợi có ý nghĩa sống còn cho việc duy trì sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế” - TS Lê Xuân Sang nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhiều DN đồng lòng cho rằng, phải mở cửa cả về lao động mới phục hồi được sản xuất. “Để tổ chức lại sản xuất, cần nguồn lực lao động rất lớn. Tuy nhiên, lượng người lao động đã dịch chuyển trong làn sóng dịch Covid-19 vừa qua đang bị kiểm soát chặt chẽ ở các địa phương, tạo ra đứt gãy về nguồn lực và không có nguồn lực này thì dây chuyền sản xuất không thể hoạt động được” - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang chia sẻ.

Trong lĩnh vực giảm chi phí, hỗ trợ tài chính, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam Furusawa Yasuyuki, đại diện cho 8 công ty thành viên trong Tập đoàn Aeon tại Việt Nam cho rằng, việc kéo giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế… để giúp các DN có đủ nguồn lực tài chính tạm thời cho nhân viên, duy trì sản xuất, kinh doanh trong thời gian dịch bệnh. 

Bên cạnh đó, các DN và Hiệp hội kiến nghị NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải đưa ra thông tin đầy đủ về giảm lãi suất thực chất với mức giảm sâu để các DN tự tin tiếp tục tổ chức lại sản xuất, tạo điều kiện cho họ tiếp cận các nguồn vay ngắn hạn…

Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu đánh giá, trong Nghị quyết số 105, nhiều giải pháp nếu có thể áp dụng ngay và sớm sẽ có tác động tích cực đến việc giảm bớt khó khăn cho DN, ví dụ như hỗ trợ phí xét nghiệm; giảm phí sử dụng công trình, tiện ích công cộng; bảo đảm lưu thông vật tư, nguyên vật liệu cho sản xuất-kinh doanh... Ngoài ra, các giải pháp khác mang tính chất dài hạn cho mục đích phục hồi sản xuất, nhất là hỗ trợ về vốn, tín dụng và thu hút đầu tư như vấn đề lao động nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa.

Nghị quyết đặt mục tiêu đến hết năm 2021 có ít nhất khoảng 1 triệu lượt đơn vị được hưởng chính sách tín dụng, được gia hạn nộp thuế, miễn giảm thuế phí, tiền thuê đất, giảm tiền điện, nước, chính sách hỗ trợ người lao động... Ông Hiếu đánh giá cao việc Nghị quyết trao quyền chủ động hơn cho địa phương và DN trong việc tìm kiếm và áp dụng mô hình sản xuất, kinh doanh an toàn trong phòng chống dịch (ngoài các mô hình đang áp dụng) phù hợp với tình hình địa phương và tính chất kinh doanh của DN, ứng dụng tối đa số hóa để giảm phiền hà cho người dân, DN, sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất.

Các địa phương đồng loạt khởi động gắn với bảo đảm an toàn phòng dịch

Ngay sau khi Nghị quyết 105 được ban hành, nhiều địa phương trên cả nước đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để đưa kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới. 

 Chủ động triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ phù hợp với tình hình địa phương. Ảnh minh hoạ

Tại TP Hồ Chí Minh, quan điểm về việc nới lỏng phục hồi kinh tế dựa trên nguyên tắc an toàn, linh hoạt theo kết quả phòng, chống dịch. Tiêu chí đánh giá an toàn dựa trên thẻ xanh, thẻ vàng căn cứ trên kết quả tiêm vaccine. Cùng với đó, TP cũng thực hiện nguyên tắc 5K và các quy định của Chính phủ về an toàn theo ngành, theo hoạt động.

Các tỉnh, thành phía Nam cũng đang dần gỡ bỏ giãn cách ở những khu vực an toàn để khôi phục sản xuất. Riêng ở Đồng Nai, một trong địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất tại phía Nam, các khu công nghiệp, khu chế xuất tại đây đang được tạo điều kiện tiêm vaccine cho công nhân sớm nhất. Tại Đà Nẵng nới lỏng một số hoạt động, người lao động ở các khu công nghiệp có thể hoạt động trở lại với quan điểm sức khỏe người lao động đặt lên hàng đầu. Trong khi Bình Dương lên kế hoạch sau khi trở về trạng thái bình thường mới, quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho giai đoạn phát triển mới.

Tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã giao các quận, huyện khởi động ngay việc phục hồi và thúc đẩy kinh tế tại các vùng xanh, vùng vàng và tiến tới trên toàn địa bàn… Việc Hà Nội phân chia mức độ giãn cách thành 3 vùng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN khôi phục lại sản xuất.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, mục tiêu của TP là trước 15/9 nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch Covid-19 để Hà Nội vào nhóm kiểm soát tốt dịch bệnh theo tiêu chí kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế. Để làm được việc này, tại các khu vực nguy cơ cao sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm, dứt khoát việc giãn cách xã hội. Còn tại các khu vực có nguy cơ thấp sẽ duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi có đủ điều kiện theo nguyên tắc "an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn"; từng bước khôi phục và đẩy mạnh sản xuất tại các địa bàn kết thúc giãn cách xã hội. Tại Chỉ thị số 20/CT-UBND về việc tăng tốc kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, một nguyên tắc thực hiện quan trọng mà Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu là hướng dẫn, hỗ trợ các DN, đơn vị trên địa bàn duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn bảo đảm quy định phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Cùng với việc nghiêm túc và chủ động triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ kịp thời đến với các đối tượng được thụ hưởng trên địa bàn, các cấp, ngành TP Hà Nội đang tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế, thường xuyên rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của cơ quan, tổ chức và DN. Chủ động có giải pháp hoặc đề xuất cấp thẩm quyền các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ thị trường. Theo UBNDTP Hà Nội, từ đầu năm đến nay, TP đã gia hạn gần 19.000 tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất của các doanh theo Nghị định số 52/2021/NĐ/CP của Chính phủ. Đây là sự nỗ lực lớn của các cơ quan chức năng trong việc gấp rút triển khai hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN trước tác động tiêu cực của dịch bệnh…

TP cũng đẩy mạnh hỗ trợ người lao động. Tính đến ngày 9/9/2021, TP đã chi hỗ trợ cho 12.568 người lao động (làm việc trên địa bàn 28 quận, huyện) phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, với số tiền hỗ trợ là 44,807 tỷ đồng; Hỗ trợ 130 người lao động (làm việc trên địa bàn 13 quận, huyện) phải ngừng việc, số tiền là 130 triệu đồng; Hỗ trợ cho người sử dụng lao động vay 12,521 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho 2.833 lượt người lao động phải ngừng việc do ảnh hưởng bởi đại dịch bệnh Covid-19; Bảo hiểm xã hội TP đã giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 89.628 đơn vị, DN, với 1.414.716 người lao động, kinh phí 146,818 tỷ đồng…

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Lan Phương cho hay, sở đã đề nghị các hội, hiệp hội trong lĩnh vực công thương khẩn trương kê khai phiếu khảo sát thông tin về cộng đồng DN trong từng ngành hàng theo nội dung như: Tình hình hiện tại của DN, hộ kinh doanh; khó khăn về tiếp cận vốn, thuê mặt bằng… Sở GTVT đề xuất UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương cho phép điều chỉnh chỉ tiêu sản lượng, doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2021; hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong năm 2021 đối với các dự án đầu tư, thay mới phương tiện xe buýt nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ…