Đồng lòng, đồng sức vượt qua thách thức

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh định hướng lớn cho năm 2023, nhằm tạo thêm động lực mới cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế; về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ… theo tinh thần "Đoàn kết, kỷ cương; Bản lĩnh, linh hoạt; Đổi mới sáng tạo; Kịp thời, hiệu quả".

Càng khó khăn, phức tạp càng phải đoàn kết

Năm 2022, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực; đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu. GDP cả năm ước đạt khoảng 8%, cao nhất trong nhiều năm qua. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu nông sản trên 50 tỷ USD, xuất khẩu gạo đạt gần 7 triệu tấn); thu đủ chi; xuất đủ nhập (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt mốc 700 tỷ USD, xuất siêu trên 10 tỷ USD)...

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng lãnh đạo TP thăm, kiểm tra sản xuất tại Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, huyện Gia Lâm. Ảnh: Trần Long
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng lãnh đạo TP thăm, kiểm tra sản xuất tại Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, huyện Gia Lâm. Ảnh: Trần Long

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh năm 2023 là năm bản lề của thời kỳ kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 với dự báo khó khăn, thách thức hơn so với năm 2022 và nhiều hơn thời cơ thuận lợi, đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng ứng xử phù hợp với mọi rủi ro, thách thức, có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn.

"Chúng ta không hoang mang, lo sợ, dao động, cũng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, mà giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, nắm chắc tình hình để đưa ra giải pháp. Tất nhiên, không có giải pháp hoàn hảo, cũng không có lựa chọn hoàn hảo, chỉ có giải pháp, lựa chọn tốt nhất và phải có ưu tiên phù hợp" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh tập trung cho các ưu tiên, các đột phá chiến lược, các động lực tăng trưởng; kiểm soát, ổn định giá cả, thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu để bảo đảm an sinh xã hội.

Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá và lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn; chính sách tài khóa tập trung, mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm chi tối đa, nghiên cứu tiếp tục miễn, giảm, gia hạn thuế, lệ phí; các chính sách phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa, không triệt tiêu mà bổ sung cho nhau, bảo đảm hiệu quả tổng thể.

Cùng với đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh thông tin. Xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Khẩn trương tập trung thực hiện, hoàn thành công tác quy hoạch với tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, dài hạn…

Trước đông đảo cộng đồng DN, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc cả hệ thống phải vào cuộc: “Từ nhà quản lý, các nhà tư vấn, các nhà khoa học, DN và người dân phải đồng lòng, quyết tâm với một tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và DN đồng lòng chia sẻ cả những rủi ro và khó khăn trong giai đoạn này”.

Phát triển bền vững và toàn diện thị trường tài chính

Sau hơn 35 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Trong đó, có sự đóng góp quan trọng của thị trường vốn - kênh dẫn vốn trung và dài hạn; cùng thị trường tiền tệ - kênh dẫn vốn ngắn hạn để cấu thành nên thị trường tài chính – đóng vai trò rât quan trọng trong huyết mạch của nền kinh tế.

Dù vậy, thị trường tài chính và bất động sản Việt Nam đang chứng kiến sự biến động mạnh. Thị trường vốn còn những hạn chế, bất cập về cấu trúc thị trường, hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực, hệ thống thông tin thị trường... Cá biệt, còn có tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng phải xử lý.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Andrew Jeffries cho biết, Việt Nam đã 2 lần tăng lãi suất kịp thời và dứt khoát trong cuối năm 2022. Năm 2023, những cơn gió ngược đang xuất hiện, bao gồm việc thắt chặt tiền tệ, nhu cầu toàn cầu suy yếu với hàng xuất khẩu của Việt Nam và những bất thường trên thị trường trái phiếu. Do đó, "Việt Nam cần điều chỉnh tỷ giá linh hoạt, phối hợp hài hòa chính sách tiền tệ và tài khóa , giải quyết vấn đề thanh khoản của thị trường tài chính và bất động sản. Đặc biệt, Việt Nam cần tăng cường các khung chính sách giám sát và xử lý nợ để giảm thiểu rủi ro và khôi phục lòng tin của nhà đầu tư" - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Andrea Coppola khuyến nghị.

Thị trường tiền tệ, thị trường vốn và thị trường bất động sản có sự liên thông rất chặt với nhau. Nếu thị trường chứng khoán trục trặc sẽ tạo áp lực cho tín dụng ngân hàng, ảnh hưởng tới tâm lý của người gửi tiền. Ngược lại, thanh khoản của tổ chức tín dụng khó khăn cũng ảnh hưởng tới vận hành, sự phát triển của thị trường trái phiếu DN. Do đó các ý kiến lưu ý về điều hành chính sách tiền tệ; một số đề xuất chính sách, giải pháp nhằm lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản hiện nay… Sau một loạt các chỉ thị của Thủ tướng, các kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế đang dần được khơi thông.

Chỉ riêng ngày 16/12, Thủ tướng đã ký ban hành 4 công điện gửi các bộ, ngành, địa phương về các thị trường trái phiếu DN, bất động sản, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, phát triển thị trường lao động, chăm lo đời sống người lao động, và được các thành viên thị trường đánh giá là tạo nên một sức sống mới cho thị trường. "Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết tâm làm, nhưng phải đôn đốc các bộ, ngành làm tích cực hơn" - Thủ tướng phát biểu.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý nhiệm vụ phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững các loại thị trường, nhất là thị trường trái phiếu DN, chứng khoán, bất động sản.

Trong năm 2023 và những năm tiếp theo, phải xử lý dứt điểm, hiệu quả những khó khăn, vướng mắc nảy sinh tại các thị trường, nhất là thị trường tín dụng, trái phiếu DN, bất động sản. Đặc biệt phải khơi thông các nguồn vốn, huy động nguồn tài chính xanh; đảm bảo thanh khoản; không để xảy ra các rủi ro tại các thị trường này. Thủ tướng khẳng định việc xử lý lành mạnh, bền vững các thị trường, đi đúng bản chất; hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ.

Cải cách thể chế, bảo vệ nhà đầu tư chân chính

Theo Thủ tướng, Việt Nam đang triển khai 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực) để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng. Thủ tướng yêu cầu tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số,

Cụ thể, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn tồn tại liên quan thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là liên quan đến đầu tư công, kinh tế vĩ mô. Cùng với đó, cần đẩy mạnh tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ liên quan đến chuyển đổi số, đồng thời cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và DN. Theo Thủ tướng, tất cả các cấp, các ngành, các địa phương đều phải vào cuộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp để thúc đẩy phát triển nền kinh tế số của đất nước.

Nhấn mạnh cải cách thể chế là phải phục vụ lợi ích của người dân, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, Thủ tướng yêu cầu tạo điều kiện cho DN phát triển, tăng cường niềm tin của Nhân dân, DN, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững trên tinh thần làm thật, hiệu quả thật; người dân, DN hưởng ứng thật và được thụ hưởng thật các thành quả.

Chính vì thế, các tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng ở mọi lĩnh vực, địa phương được thành lập. Tổ công tác có nhiều bộ, ngành tham gia, ngay sau khi thành lập đã làm việc với TP lớn, DN và hiệp hội, trao đổi trực tiếp và tìm cách hướng dẫn về thực thi, thể chế, phân loại nhóm khó khăn vướng mắc, xác định rõ thẩm quyền giải quyết từng nhóm vấn đề. Tổ công tác và các địa phương tích cực nhận diện những "điểm nghẽn" để có giải pháp tháo gỡ.

 

"Bộ Tài chính đang chủ động xây dựng các gói hỗ trợ khác nhau. Trong đó, tiếp tục đề xuất hoãn thuế, phí, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN vượt qua giai đoạn khó khăn về dòng tiền và thanh khoản. Ngoài ra, việc sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu.. cũng được Bộ Tài chính triển khai nhanh." - Thứ Trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

--

"Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật gây cản trở đầu tư bất động sản, đồng thời giải quyết trình tự thủ tục trong xây dựng. Hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến những dự án quy hoạch treo, tăng cường công tác thẩm định chất lượng quy hoạch, thẩm tra năng lực của nhà đầu tư…" - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh