Họa sĩ Trần Nguyên Đán hóm hỉnh khi nhắc tới “những đứa con tinh thần của mình”- tranh khắc gỗ và mộc bản vừa được giới thiệu với công chúng trong triển lãm “Nét khắc từ truyền thống đến hiện đại” được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam” từ ngày 21 đến 27/3.
Dấu ấn một chặng đường
Trước ngày triển lãm, Trần Nguyên Đán như tất bật hơn. Đã chục năm kể từ ngày về hưu, đây là lần đầu tiên ông xuất hiện trước công chúng cùng những đứa con tinh thần của mình. Khác những triển lãm mà ông từng giới thiệu trước đó, “Nét khắc từ truyền thống đến hiện đại” ghi dấu cả một chặng đường dài mà Trần Nguyên Đán đã đi qua, từ những ngày chập chững vào nghề tới khi tuổi đã xế chiều. Dấu mốc của chặng đường ấy bắt đầu từ những năm 1967 với những bức tranh được ông sáng tác khi còn ngồi trên ghế giảng đường như: “Đi cấy”,“Hai con mèo”, “Người tốt việc tốt”, “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, “Khuê Văn Các”. Dấu mốc ấy cũng đã được khắc ghi từ những bức vẽ mang đậm hồn dân tộc từ những vùng đất ông đã đi qua. Nào Hội An, Huế, Đà Nẵng, Kiên Giang; nào Hạ Long, Phú Thọ, Bắc Ninh… Và nhất là Hà Nội mảnh đất ông đã gắn bó từ thủa ấu thơ đến tận bây giờ cũng đã hiện diện khá nhiều trong tác phẩm của ông: “Hồ Gươm - Dấu ấn Hà Nội” (1989), “Hà Nội trong mắt tôi (2011), “Ai về Hà Nội” (2015)… Có một điều khá thú vị là tất cả các bức tranh in hay bản khắc được giới thiệu trong triển lãm này đều được họa sĩ Trần Nguyên Đán giữ gìn cẩn thận dù rằng ông trải qua nhiều năm tháng cùng với những biến cố, thăng trầm của lịch sử đất nước cũng như cuộc sống của riêng mình. “Đây là điều rất đáng quý, vì không mấy ai ở độ tuổi của anh Đán mà vẫn còn giữ được những tác phẩm đầu tay, và cả sau này như họa sĩ” - Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết.
100 tác phẩm được giới thiệu trong triển lãm là một phần tài sản mà Trần Nguyên Đán có được sau nửa thế kỷ bền bỉ, miệt mài, say mê gắn bó với tranh khắc gỗ. “Có bức tôi vẽ thời sinh viên khi bày triển lãm còn được Đoàn cộng sản Ý mua” - Trần Nguyên Đán nhớ lại rồi vừa chỉ cho tôi những bức vẽ được treo trang trọng trong phòng triển lãm mà ông nhắc tới.
Thời sinh viên, có tranh bán là một kỷ niệm đẹp nhưng với Trần Nguyên Đán đó là động lực lớn cho sự sáng tạo. Ông bảo sợ nhất là tranh vẽ gửi triển lãm bị loại, tranh vẽ không có người khen và người mua. Thế nên cũng dễ hiểu khi ông hào hứng nhắc tới những bức vẽ để lấy tiền tiêu vặt, những tác phẩm đã được gửi trao cho các nhà sưu tập, bảo tàng. Ngay như triển lãm lần này cũng là những tác phẩm ông đã bán cho một nhà sưu tập tư nhân. Đó là một niềm tự hào của người họa sĩ khi những đứa con tinh thần được công chúng đón nhận.
Phía sau triển lãm
Triển lãm “Nét khắc từ truyền thống đến hiện đại” là kết quả của sự gặp gỡ tình cờ đã tạo nên cái duyên kết nối họa sĩ và nhà sưu tập. Họa sĩ Trần Nguyên Đán cho biết 100 tác phẩm của ông trưng bày trong triển lãm được nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa mua từ cuối năm 2015. “Khi biết Hòa có ý định làm triển lãm, lúc đầu tôi cũng ngại không muốn xuất hiện nhưng sự nhiệt tình của Hòa đã khiến tôi đồng ý”
Với chủ nhân của bộ sưu tập thì “Nét khắc từ truyền thống tới hiện đại” không chỉ dừng lại ở một triển lãm giới thiệu những thành quả sáng tác của một họa sĩ tên tuổi, đó còn là một thông điệp mà chị muốn nhắn gửi đó là mong muốn sẽ có thêm nhiều những người sưu tập đi theo từng họa sĩ và hình thành những bộ sưu tập trọn đời. “Ở Việt Nam, nhiều họa sĩ hiện nay không muốn hoặc không có điều kiện để giữ lại những tác phẩm làm nên dấu ấn, thương hiệu, và phong cách của mình. Vậy nên chính các nhà sưu tập là người gìn giữ những di sản hội họa, qua đó có thể giới thiệu tới công chúng những gương mặt ấn tượng với những tác phẩm có giá trị bởi”- nhà sưu tập Thu Hòa bày tỏ.
Có thể nói trong bối cảnh thị trường mỹ thuật bị lép vế và có phần “thoi thóp”... việc đầu tư cho nghệ thuật được coi là “lội ngược dòng”. Tuy nhiên đó không phải là thử thách khiến nhiều người bỏ cuộc. Và triển lãm “Nét khắc từ truyền thống tới hiện đại” phần nào minh chứng cho sự “lội ngược dòng” ấy. “Tôi mong thị trường mỹ thuật sẽ được kích cầu từ các nhà sưu tập, từ những người yêu nghệ thuật bởi đó chính là chất xúc tác giúp các nghệ sĩ có thêm các động lực để sáng tạo và cống hiến”- Họa sĩ Trần Nguyên Đán bày tỏ.
Tác phẩm Con trâu là đầu cơ nghiệp (1970)
|
Trước ngày triển lãm, Trần Nguyên Đán như tất bật hơn. Đã chục năm kể từ ngày về hưu, đây là lần đầu tiên ông xuất hiện trước công chúng cùng những đứa con tinh thần của mình. Khác những triển lãm mà ông từng giới thiệu trước đó, “Nét khắc từ truyền thống đến hiện đại” ghi dấu cả một chặng đường dài mà Trần Nguyên Đán đã đi qua, từ những ngày chập chững vào nghề tới khi tuổi đã xế chiều. Dấu mốc của chặng đường ấy bắt đầu từ những năm 1967 với những bức tranh được ông sáng tác khi còn ngồi trên ghế giảng đường như: “Đi cấy”,“Hai con mèo”, “Người tốt việc tốt”, “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, “Khuê Văn Các”. Dấu mốc ấy cũng đã được khắc ghi từ những bức vẽ mang đậm hồn dân tộc từ những vùng đất ông đã đi qua. Nào Hội An, Huế, Đà Nẵng, Kiên Giang; nào Hạ Long, Phú Thọ, Bắc Ninh… Và nhất là Hà Nội mảnh đất ông đã gắn bó từ thủa ấu thơ đến tận bây giờ cũng đã hiện diện khá nhiều trong tác phẩm của ông: “Hồ Gươm - Dấu ấn Hà Nội” (1989), “Hà Nội trong mắt tôi (2011), “Ai về Hà Nội” (2015)… Có một điều khá thú vị là tất cả các bức tranh in hay bản khắc được giới thiệu trong triển lãm này đều được họa sĩ Trần Nguyên Đán giữ gìn cẩn thận dù rằng ông trải qua nhiều năm tháng cùng với những biến cố, thăng trầm của lịch sử đất nước cũng như cuộc sống của riêng mình. “Đây là điều rất đáng quý, vì không mấy ai ở độ tuổi của anh Đán mà vẫn còn giữ được những tác phẩm đầu tay, và cả sau này như họa sĩ” - Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết.
Tác phẩm Nghệ nhân tranh Hàng Trống (1976).
|
Tác phẩm Hà Nội trong mắt tôi (2011)
|