Đồng Nai, Bình Dương: Doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” đang có nguy cơ làm phát sinh nhiều ổ dịch mới

TRƯƠNG HIỆU
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” (tự lo ăn, ở và bố trí làm việc tại nơi sản xuất) là cách làm giúp các DN vừa có thể duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, thực tế triển khai đang phát sinh nhiều vấn đề, yêu cầu các DN cần phải tuân thủ chặt chẽ hơn nữa các quy định phòng chống dịch, để thực hiện “3 tại chỗ” tránh lây lan những ổ dịch mới.

Nhiều công ty đang thực hiện “3 tại chỗ” thành ổ dịch mới
Ngày 30/7/2021, ngành y tế Đồng Nai cho biết hiện Đồng Nai có gần 4.000 ca bệnh Covid-19. Các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” trong những ngày qua đã phát hiện nhiều trường hợp công nhân dương tính với SARS-CoV-2.
Thông tin từ Sở Y tế Đồng Nai cũng cho biết, qua xét nghiệm nhanh 52 lao động tại Công  ty Friwor (Khu công nghiệp Amata), ngành y tế đã phát hiện 20 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
 Doanh nghiệp thực hiện ''3 tại chỗ'' tại Đồng Nai xét nghiệm SARS-CoV-2 cho công nhân trong tình hình dịch bệnh tại địa phương này đang diễn biến phức tạp
Cũng tại khu công nghiệp Amata, Công ty Unipax có 6 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Tại Công ty Tuico (Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom) có 5 ca dương tính. Ngoài số ca dương tính được phát hiện qua xét nghiệm diện rộng tại các ổ dịch trong các khu vực phong tỏa, ngành y tế ghi nhận chùm ca dương tính trong các doanh nghiệp đã thực hiện phương án “3 tại chỗ”.
Ngày 30/7, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu tạm dừng hoạt động của hai công ty tại huyện Nhơn Trạch sau khi ghi nhận 100 người dương tính SARS-CoV-2. Đò là Công ty TNHH Công nghệ điện tử - nghe nhìn BOE Việt Nam (xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch) với 867 lao động. Công ty TNHH Action Composites (khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) với 407 lao động. Mặc dù cả hai công ty này đang thực hiện “3 tại chỗ” nhưng bị buộc phải dừng hoạt động.
Tại tỉnh Bình Dương, Công ty Cổ phần kỹ nghệ gỗ Long Việt (thuộc TP Dĩ An) cho biết, có 300 công nhân làm việc theo phương án “3 tại chỗ”. Ngày 21/7, Công ty Long Việt có 248 người dương tính với SARS-CoV-2. Tối cùng ngày, cơ quan chức năng TP Dĩ An đã đến công ty, tổ chức đưa F0 đi điều trị. Riêng 40 người F1 có kết quả âm tính, cơ quan y tế TP Dĩ An yêu cầu tiếp tục thực hiện 5K và tiến hành phun khử khuẩn toàn công ty.
Công ty TNHH Timberland (thị xã Tân Uyên, Bình Dương), từ ngày 17/7 đến nay, công ty thực hiện “3 tại chỗ” với 1.478 lao động ở lại ký túc xá. Khi chuyển vào nhà máy để ăn, ở và sản xuất, Công ty tiến hành xét nghiệm nhanh cho toàn bộ công nhân và phát hiện 233 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, đã có 65 trường hợp tại công ty được đưa đi điều trị, 168 lao động còn lại đang ở trong ký túc xá của công ty.
Trước tình trạng nhiều công nhân bị mắc Covid-18, hiện tỉnh Bình Dương có đến 150 doanh nghiệp gửi văn bản xin tạm dừng thực hiện phương án “3 tại chỗ” vì không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Tình hình dịch bệnh trên không chỉ diễn ra ở Đồng Nai, Bình Dương, mà nhiều tỉnh khác như Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp… cũng đang phát sinh nhiều ca nhiễm Covid-19 trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ”.
Không đảm bảo các yêu cầu cần thiết thực hiện “3 tại chỗ”
Theo Ban quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, hiện toàn tỉnh có 1.117 doanh nghiệp tổ chức thực hiện “3 tại chỗ” với số lượng gần 130.000 người. Hiện nay các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai đang khẩn trương kiểm tra, đánh giá nguyên nhân phát sinh các ca dương tính trong doanh nghiệp. Trong đó, đánh giá thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” để có những điều chỉnh thích hợp, tránh đứt gãy sản xuất của doanh nghiệp và đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động.
 Công ty thực hiện ''3 tại chỗ'' tại tỉnh Đồng Nai tự trang bị máy khử khuẩn để kiểm soát tình hình dịch bệnh trong công nhân
Tuy nhiên, theo đánh giá của  Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ: “Việc dịch bệnh lây nhiễm vào các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” cho thấy, doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định về xét nghiệm tầm soát, không đảm bảo yêu cầu cần thiết khi thực hiện "3 tại chỗ" dẫn đến lây nhiễm trong doanh nghiệp. Do vậy, ngành y tế Đồng Nai đề nghị các địa phương cần khẩn trương phối hợp với sở, ban, ngành liên quan kiểm tra doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” trong khu công nghiệp”.
Phó ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai Phạm Văn Cường cho biết: “Người lao động ở thời điểm xét nghiệm Covid-19 thì đang mang mầm bệnh sau đó mới phát bệnh, lây nhiễm là điều khó tránh khỏi và trong quá trình tiếp tục tầm soát trong doanh nghiệp mới phát hiện được. Hiện tại, ngành chức năng đang thống kê số lượng lây nhiễm trong các doanh nghiệp hoạt động "3 tại chỗ" để có hướng xử lý phù hợp”.
Trước tình hình đó, ngày 29/7/2021 Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đã có văn bản khẩn gửi UBND tỉnh này về việc hỗ trợ người lao động về địa phương khi doanh nghiệp "3 tại chỗ" có trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, đề xuất Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp về công tác y tế để khoanh vùng, truy vết, cách ly phù hợp, nhanh chóng đưa F0, F1 ra khỏi phạm vi công ty.
Trong trường hợp người lao động có tâm lý bất an, doanh nghiệp không thể tiếp tục để người lao động ở lại công ty thì thông báo Ban quản lý, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp huyện tổ chức xét nghiệm cho lao động. Nếu âm tính thì có văn bản đề nghị chính quyền các địa phương tiếp nhận người lao động trở về địa phương. Còn trường hợp người lao động ở vùng phong tỏa thì địa phương bố trí nơi cách ly theo quy định.
 Chủ tịch UBND Thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) Đoàn Hồng Tươi cho biết: “Ngay khi nhận được thông tin doanh nghiệp “3 tại chỗ” trên địa bàn có F0, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương đến hỗ trợ doanh nghiệp. Chúng tôi gửi văn bản đến các doanh nghiệp để hướng dẫn công tác phối hợp xử lý kịp thời trường hợp mắc Covid-19. Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp không bảo đảm “3 tại chỗ” phải dừng hoạt động nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần